Theo số liệu Thế Giới Di Động công bố mới đây, năm 2023, chuỗi AVAKids đạt gần 900 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng tới 80% so với cùng kỳ. Kênh online góp phần 30% tỷ trọng trong tổng doanh thu AVAKids.
Mặc dù có sự tăng trưởng nổi bật so với các lĩnh vực khác nhưng doanh thu của AVAKids cùng với chuỗi nhà thuốc An Khang chiếm chưa tới 8,4% trong tổng doanh thu hợp nhất của Thế giới di động.
AVAKids là chuỗi cửa hàng chuyên các sản phẩm mẹ và bé được MWG khai trương điểm đầu tiên vào đầu năm 2022, cùng hàng loạt chuỗi AVA khác như VAFashion – chuyên thời trang, AVASports – đồ thể thao, AVAJi – chuyên đồng hồ, trang sức, mắt kính và AVACycle – chuyên xe đạp.
Nối tiếp truyền thống mở cửa hàng thần tốc, chỉ sau hơn 5 tháng hoạt động, AVAKids đã cán mốc 50 cửa hàng. Tại lễ khai trương cửa hàng AVAKids thứ 50 ở TPHCM vào ngày 01/6/2022, nhà bán lẻ số một Việt Nam từng đặt mục tiêu sẽ có 200 cửa hàng AvaKids vào cuối năm và tham vọng đến năm 2024 sẽ vươn lên dẫn đầu thị trường mẹ và bé cả về doanh thu lẫn điểm bán. Cũng trong buổi lễ, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thế giới Di động chia sẻ với truyền thông: “50 cửa hàng AVAKids mới chỉ là khởi đầu, là chuyện nhỏ thôi”.
Để hiện thực hóa tham vọng, đầu tiên, chuỗi này tăng cường lượng hàng hoá tại mỗi cửa hàng nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của khách. Có khoảng 5.000 sản phẩm gồm tã sữa, quần áo, đồ chơi, xe đạp, sản phẩm tiêu dùng cho mẹ và bé, thực phẩm bổ sung (ăn dặm, vitamin),… được bày bán trong mỗi cửa hàng AVAKids. Với quy mô này, khách hàng có thể tìm thấy gần như mọi thứ cho bà mẹ mang thai và em bé từ sơ sinh đến tuổi mẫu giáo.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh không thuận lợi từ cuối 2022 đã khiến mọi kế hoạch của Thế giới di động với AVAKids dừng lại. Số lượng hệ thống cửa hàng cho mẹ và bé đạt đỉnh 71 cửa hàng vào cuối tháng 10/2022 và chỉ một tháng sau giảm nhanh về còn 64 cửa hàng. Con số 64 cửa hàng này được giữ nguyên từ đó đến cuối năm 2023.
Thế giới di động từng kỳ vọng về cơ hội rất lớn cho ngành hàng này bởi quy mô thị trường mẹ và bé với doanh thu hàng năm lên tới 6-7 tỉ USD. Trong khi đó, kênh bán lẻ hiện đại chưa mạnh, thị trường còn phân mảnh và đang tập trung chủ yếu ở kênh truyền thống.
Đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường FTA, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho các dịch vụ kinh doanh sản phẩm của bà mẹ và trẻ em khi doanh số của thị trường tăng trưởng trung bình 2,5 tỷ USD mỗi năm.
Không dừng ở đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, với 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1-2 tuổi. Ngoài ra, với khoảng 68% số dân có độ tuổi từ 15-64 tuổi, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng nên số lượng gia đình trẻ gia tăng là tất yếu.
Tại Việt Nam, chuỗi đang dẫn đầu thị trường mẹ và bé là Con Cưng với hệ thống 699 cửa hàng. Một chuỗi bán lẻ có tiếng khác trong ngành là BiboMart đang có 125 cửa hàng, Kid Plaza có 155 cửa hàng.
Nhìn chung số lượng các chuỗi đều giảm so với đỉnh năm 2022. Về doanh thu, theo chia sẻ hồi đầu năm 2022 của CEO Con Cưng - ông Lưu Anh Tiến thì trong năm 2021, doanh thu công ty của Con Cưng đạt khoảng 300 triệu USD. Thời điểm đó họ có khoảng 600 cửa hàng, tương đương doanh thu bình quân mỗi cửa hàng rơi vào khoảng 1 tỷ đồng/tháng.
Trọng Nghĩa