Anh Đăng từng là người bán cà phê vỉa hè duy nhất dưới chân tòa nhà Hapulico Center (Thanh Xuân, Hà Nội). Tuy nhiên, chỉ một năm trở lại đây, anh có thêm vài "đồng nghiệp" xung quanh.
Xe đẩy Cà phê Lam, một trong những đồng nghiệp mới của anh Đăng, bắt đầu bán hàng từ đầu mùa hè năm 2023. Buổi sáng trước 10 giờ là khoảng thời gian cao điểm của kiosk này. Dù menu chỉ gồm các đồ uống đơn giản như cà phê đen, cà phê sữa, bạc sỉu và cà phê muối nhưng dòng khách đến liên tục khiến 3 nhân viên gần như không có phút nghỉ tay. Ngay cả khi Hà Nội đang trong những ngày rét đậm, lượng khách của kiosk này chỉ giảm đi chút ít.
Thấy các "đồng nghiệp" ăn nên làm ra ngay ở chính nơi mình từng làm "bá chủ", anh Đăng đã phải tìm cách cải tiến chính mình. Nếu như trước kia, gian hàng của anh gói gọn trong một chiếc thùng xốp đặt trên yên xe thì nay anh đã sửa sang lại, không chỉ to hơn mà còn có biển hiệu, menu đa dạng hơn.
Xe đẩy Cà phê Lam nói trên chỉ là một trong vô vàn những kiosk đang mọc lên như nấm trên các vỉa hè tại Hà Nội. Đoạn vỉa hè dài 50m của đường Ngụy Như Kon Tum, đối diện tòa nhà văn phòng Hapulico Center, giờ đã có 3 xe đẩy bán cà phê, nước ép. Nếu tiếp tục đi dọc con đường này, hoặc các con phố tập trung nhiều tòa nhà văn phòng, mật độ giao thông đông đúc như Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh, Cầu Giấy,… không khó để bắt gặp hàng loạt xe đẩy bán cà phê dựng ngay gần sát mặt đường. Thậm chí, những kiosk này còn cách nhau chỉ vài mét, và cũng không ngại khu vực đã có các cửa hàng cà phê có thương hiệu như Highlands Coffee, Starbucks, The Coffee House,…
Điểm chung của các điểm bán này là đều có diện tích chiếm dụng nhỏ, xe đẩy cần chứa đủ các vật dụng pha chế cơ bản. Đồng thời, menu tinh giản với giá chỉ khoảng 15.000-25.000 đồng/ly.
Mô hình kinh doanh cà phê vỉa hè không phải lần đầu tiên xuất hiện nhưng sự nở rộ trong năm 2023 được cho là một phần đến từ những thách thức chung của nền kinh tế.
Theo kết quả khảo sát thị trường 6 tháng đầu năm 2023, dưới sự ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, cùng với đó là làn sóng sa thải nhân sự, mức chi tiêu của khách hàng trong 6 tháng đầu năm cũng có những sự biến động. Có tới 32% khách hàng cho rằng họ đã giảm mức chi tiêu, trong đó đối tượng có độ tuổi từ 26 - 31 tuổi có tỉ lệ giảm chi tiêu nhiều nhất với 52,6%. Tuy nhiên, theo iPOS.vn, nhu cầu đối với đồ ăn, đồ uống vẫn cao. Vì vậy, khách hàng hướng đến sử dụng các sản phẩm có giá cả phải chăng. Điều này thúc đẩy sự phát triển của các kiosk bán cà phê giá bình dân, đặc biệt tiện lợi với nhu cầu mua mang đi của dân văn phòng, thay vì phải vào Highlands Coffee, The Coffee House, Trung Nguyên... hay đặt trên ứng dụng để mua một món nước tương tự với giá đắt hơn 10.000 - 20.000 đồng.
Bên cạnh đó, các xe đẩy cũng có tinh linh động hơn so với các cửa hàng truyền thống khi dễ dàng đặt ngay cạnh các tòa nhà văn phòng, qua đó nhanh chóng tiếp cận dòng khách vãng lai.
Rào cản gia nhập thấp, không cần vốn đầu tư lớn cũng là yếu tố khiến mô hình kiosk cà phê bùng nổ trong thời gian ngắn. Bên cạnh những mô hình tự phát do các bạn trẻ thành lập, có nhiều kiosk được phát triển theo mô hình nhượng quyền giá rẻ. Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "xe đẩy cà phê nhượng quyền" trên Facebook hay Google, dễ dàng có thể tìm thấy quảng cáo hợp tác kinh doanh của nhiều thương hiệu, từ lớn đến nhỏ.
"Chỉ cần 5-10m2 để kinh doanh, đầu tư nhỏ - lợi nhuận to, rủi ro thấp, hoàn vốn trong vòng 3 tháng,…", bài viết của một thương hiệu trên Facebook thu hút tới 3.900 lượt yêu thích, hơn 2.700 lượt bình luận xin tư vấn, xin giá nhượng quyền.
Một đơn vị kinh doanh nhượng quyền khác lại quảng cáo "giá vốn chỉ từ 10 triệu đồng, hoàn vốn sau 1-2 tháng".
Tuy nhiên, chuyên gia iPOS.vn cảnh báo về sự chật chội của phân khúc bình dân (giá thấp hơn 40.000 đồng/ly) khi ngày càng có thêm nhiều "người chơi", cũng là lúc thị trường dần đi vào bão hòa.
Trên thực tế, nhiều chuỗi lớn như Highlands Coffee, The Coffee House hay Phúc Long đã thử nghiệm với mô hình kiosk, chuyên phục vụ mang đi. Phúc Long - sau khi về tay Masan, thậm chí còn thử nghiệm trên diện rộng, mở tới 760 kiosk bên trong các siêu thị WinMart+. Tuy nhiên, ông lớn này sau đó đã phải đóng cửa các kiosk không hiệu quả. Thay vào đó, chuỗi này lại trở về với mô hình flagship (mô hình cửa hàng lớn, hiện đại), mở mới 44 cửa hàng.
Trong khi các kiosk cà phê phục vụ nhu cầu mua mang đi với chi phí rẻ hơn, những cửa hàng trực tiếp vẫn có "miếng bánh" của riêng mình. Hậu Covid-19, văn hóa ngồi cà phê và trải nghiệm tại chỗ của khách hàng được cho là đã quay trở lại. Đây là điều mà những cửa hàng cà phê mới có thể đáp ứng, thay vì các kiosk chỉ có thể phục vụ mua mang đi.
Hoàng Thùy