Cụ thể, ngày 8/5, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) điều chỉnh lãi suất tiết kiệm theo hình thức online đối với các kỳ hạn 15-18 tháng, mức giảm từ 8,55%/năm xuống 8,35%/năm cho cả hai kỳ hạn này.
Biểu lãi suất với các kỳ hạn khác tại NCB như sau: Kỳ hạn 1-5 tháng 5,5%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng 8,4%/năm; kỳ hạn 11-13 tháng 8,45%/năm; kỳ hạn 15-18 tháng 8,35%/năm; kỳ hạn 24-30 tháng 8,25%/năm; kỳ hạn 36 tháng 8,15%/năm; và kỳ hạn 60 tháng 8,05%/năm.
Tương tự, Ngân hàng Nam Á (NamA Bank) cũng điều chỉnh giảm lãi suất kể từ hôm nay (8/5) với các kỳ hạn từ 9 tháng trở lên.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 9 - 11 tháng giảm 0,3% còn 8,1%/năm; kỳ hạn 12-14 tháng giảm từ 8,5% xuống còn 8,2%/năm; kỳ hạn 15-18 tháng cũng giảm xuống 8,1%/năm.
Chỉ có lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-7 tháng được NamA Bank giữ nguyên mức cũ. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng là 5,5%/năm; kỳ hạn 6-7 tháng lần lượt 8,5% và 8,6%/năm.
Còn tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng thực hiện giảm nhẹ lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 12 tháng trở đi. Theo đó, lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 12 tháng giảm từ 7,9% xuống 7,8%/năm. Các kỳ hạn sau 12 tháng giảm đồng loạt về mức 8%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng được giữ nguyên. Cụ thể, lãi suất từ 1-5 tháng là 5,5%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng là 7,5%/năm.
Ngoài các ngân hàng kể trên, các ngân hàng còn lại vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động các kỳ hạn như đã công bố trước đó.
Đối với lãi suất không kỳ hạn, hiện có 19 ngân hàng niêm yết lãi suất 0,5% cho tiền gửi không kỳ hạn. Trong đó, ngoại trừ VPBank, hầu hết đều là các ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ.
Mức lãi suất 0,2 - 0,3% cho tiền gửi không kỳ hạn đang được nhiều ngân hàng lớn áp dụng như Agribank, Sacombank, MB, ACB, SHB,…
Nhóm 3 ngân hàng thương mại Nhà nước đang niêm yết lãi suất không kỳ hạn thấp nhất hệ thống, chỉ ở mức 0,1%/năm theo hình thức gửi tiền tại quầy.
Trên thị trường, Ngân hàng An Bình (ABBank) và Ngân hàng Phương Đông (OCB) vẫn là hai ngân hàng duy trì lãi suất huy động cao nhất đối với tiền gửi online các kỳ hạn dài từ 13 tháng trở lên, lần lượt là 9,2%/năm và 9,1%/năm.
Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng duy trì lãi suất huy động lên đến 9%/năm nhưng chỉ áp dụng với tiền gửi online kỳ hạn 13 tháng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, kể từ khi lãi suất huy động bật tăng mạnh từ cuối năm 2022, tiền nhàn rỗi của người dân liên tục chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng. Ngược lại, dòng tiền của đổ vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản cũng co hẹp lại.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, ghi nhận lượng tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng thêm hơn 314 nghìn tỷ đồng (tăng 5,36%) và đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương. Đến cuối tháng 2, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đã lên gần 6,18 triệu tỷ đồng, chính thức vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế (5,61 triệu tỷ).
Trong giai đoạn cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, lãi suất huy động của các ngân hàng duy trì ở mức cao tới 9-10%/năm đã thu hút mạnh người gửi tiền. Khách hàng cũng có xu hướng chuyển tiền gửi không kỳ hạn (tiền gửi thanh toán) sang có kỳ hạn để có lãi nhiều nhất.
Đến tháng 4, làn sóng hạ lãi suất bắt đầu diễn ra mạnh mẽ khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành. Dự báo trong những tháng tiếp theo, lượng tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng có thể sẽ giảm đi.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/them-3-ngan-hang-tiep-tuc-giam-lai-suat-tiet-kiem-tu-ngay-85-2051317.htm