Thị trường bất động sản hồ hởi chuẩn bị đón dòng vốn lớn đổ mạnh?

Sẽ có một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026. Bên cạnh đó, dòng tiền dự kiến từ ngân hàng cũng sẽ có cơ hội đổ vào lĩnh vực địa ốc.

Một công bố mới đây của Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam dự báo, sẽ có một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026.

Nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực; các mục tiêu đầu tư dự kiến vẫn nằm ở việc tìm kiếm những quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, có giá trị thật, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển...

Theo đơn vị này, nhiều nhà đầu tư ngoại bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản tại Việt Nam theo hình thức mua lại cổ phần, một số ít doanh nghiệp Việt Nam với tiềm lực tài chính mạnh cũng gia nhập cuộc chơi.

Cushman & Wakefield đưa ra thêm nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam; trong đó, đáng chú ý là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang có những bước phát triển nhanh chóng trong những năm qua. Hoạt động M&A nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng cũng được ghi nhận đã tăng lên đáng kể cả về số lượng và giá trị giao dịch.

Theo các chuyên gia, ngoài dòng vốn ngoại, khi thị trường khởi sắc, khả quan bất động sản có thể đón thêm dòng tiền từ ngân hàng.

Hiện nay, nhiều ngân hàng tư nhân đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục, dao động quanh mức 5%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (SBV) tính đến hết quý III/2023, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,449 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022. Dư nợ kinh doanh bất động sản, phía cung của thị trường, lại tăng trưởng 21,86%, vượt xa tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 là 10,73%. Báo cáo tài chính quý III/2023 của nhiều ngân hàng cũng cho ra kết quả tương tự. Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng mạnh, trong khi cho vay mua nhà để ở vẫn tăng chậm.

Dù dư nợ tín dụng cho vay mua nhà để ở tăng chậm trong những tháng qua, tuy nhiên, theo các chuyên gia, vào thời điểm giáp Tết, con số này có thể gia tăng do nhu cầu mua nhà của người dân. Thông thường ở giai đoạn cuối năm và đầu năm, lượng thanh khoản mua nhà đều tăng mạnh.

Mặt khác tín hiệu hồi phục rõ nét của thị trường bất động sản cũng tác động mạnh đến tâm lý của nhóm nhà đầu tư. Lãi suất ngân hàng giảm nhiệt, tình trạng cắt lỗ có thể xuất hiện ở thời điểm cuối năm khiến nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội từ xuống tiền vào bất động sản.

Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục cũng sẽ khiến người dân có nhu cầu chuyển tiền đổ vào bất động sản cất trữ như hình thức tích sản.

TS. Phạm Anh Khôi cũng cho rằng, nguồn tiền có thể quay trở lại thị trường nếu lãi suất giảm xuống mức 6 – 7% vào thời điểm cuối năm nay. Nhất là đến thời điểm tiền gửi đáo hạn, sẽ có một lượng tiền lớn của người dân chuyển hướng tìm đến các kênh đầu tư khác đem lại lợi nhuận cao hơn so với kênh gửi tiết kiệm. Nhìn lại quá khứ của những lần khủng hoảng kinh tế trước đây, thông thường thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trước, sau đó đến thị trường bất động sản.

Hải Nam

Hải Nam

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/thi-truong-bat-dong-san-ho-hoi-chuan-bi-don-dong-von-lon-do-manh-2056388.htm