Thiên Minh Group của Chủ tịch Trần Trọng Kiên 'khất nợ' gốc, lãi trái phiếu

Đến ngày đáo hạn, Thiên Minh Group của Chủ tịch Trần Trọng Kiên mới chỉ thanh toán 1 phần gốc, lãi lô trái phiếu trăm tỷ phát hành hồi giữa năm 2019.

thien-minh-group-cua-chu-tich-tran-trong-kien-khat-no-goc-lai-trai-phieu-antt-1-1696822177.PNG
Thiên Minh Group phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư, nâng cấp và cải tạo sửa chữa khách sạn Flower Garden.

Công ty CP Du lịch Thiên Minh (Thiên Minh Group) vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình sử dụng vốn trái phiếu. Theo văn bản này, Thiên Minh Group đã phát hành 2 lô trái phiếu TMG201902 và TMG201903 lần lượt có giá trị 100 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.

Mục đích sử dụng vốn là để tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp và phục vụ cho mảng đầu tư và kinh doanh khách sạn trong tập đoàn. 

Theo báo cáo của Thiên Minh Group, toàn bộ 150 tỷ đồng huy động từ 2 lô trái phiếu nói trên đã được sử dụng để đầu tư, nâng cấp và cải tạo sửa chữa khách sạn Flower Garden (46 Nguyễn Trường Tộ, Ba Đình, Hà Nội).

Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 2 lô trái phiếu TMG201902 và TMG201903 của Thiên Minh Group cùng được phát hành vào ngày 12/6/2019 với kỳ hạn lần lượt là 4 năm và 5 năm.

Tài sản đảm bảo là khách sạn Flower Garden, 2 công trình tại số 2 ngõ Yên Ninh, (Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội); cổ phần, vốn góp của Thiên Minh Group Hoà Bình tại một số doanh nghiệp khác,...

Ngày 12/6/2023 là ngày đáo hạn của lô trái phiếu TMG201902 nhưng doanh nghiệp mới chỉ thanh toán được hơn 3,2 tỷ gốc (trong 100 tỷ đồng) và 316 triệu đồng tiền lãi (trong tổng lãi 10,2 tỷ đồng).

Theo báo cáo gửi HNX, phía Thiên Minh Group đang thỏa thuận với trái chủ để gia hạn thanh toán.

thien-minh-group-cua-chu-tich-tran-trong-kien-khat-no-goc-lai-trai-phieu-antt-2-1696822241.PNG
Doanh nghiệp của Chủ tịch Trần Trọng Kiên mới chỉ thanh toán 1 phần gốc, lãi lô trái phiếu trăm tỷ. Nguồn: HNX

Về Thiên Minh Group, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 10/2008, trụ sở chính tại tầng 12, số 70-72 Bà Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), hoạt động trong lĩnh vực du lịch và khách sạn với thương hiệu Buffalo Tours.

Cổ đông sáng lập của công ty gồm: Công ty hợp danh TNHH VI (trụ sở tại Mỹ), Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Tin học Việt và ông Trần Trọng Kiên (SN 1973). Ông Kiên hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty.

Tháng 12/2015, vốn điều lệ của Thiên Minh Group tăng từ 638,372 tỷ đồng lên 1.150 tỷ đồng. Thời điểm này, Công ty Hợp Danh TNHH VI (Việt Nam Investment Fund) nắm giữ 23,73% vốn ông Trần Trọng Kiên sở hữu 36,03%.

Theo đăng ký thay đổi hồi tháng 9/2018, tỷ lệ sở hữu ông Kiên tại Thiên Minh Group giảm xuống còn 31,89% vốn điều lệ.

Ông Trần Trọng Kiên là gương mặt quen thuộc trong giới đầu tư khi từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại ACB, VP Bank, Vinaland,.. Theo giới thiệu trên website của Thiên Minh Group, ngoài việc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc tập đoàn, ông Kiên còn là Chủ tịch của Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), Hội đồng tư vấn du lịch Huế (HTAB), Hội Hướng Dẫn Viên Du Lịch (VTGA), thành viên Hội Đồng Tín Thác của trường Đại học Fulbright Việt Nam, Ủy viên Hiệp Hội Du Lịch Việt Nam (VITA)...

Ông được biết đến là người tiên phong đưa các hoạt động du lịch mạo hiểm vào Việt Nam, Lào và Campuchia.

Thiên Minh Group thành lập và đưa vào vận hành Công ty CP hàng không Hải Âu từ năm 2014. Đây là đơn vị tiên phong tại Việt Nam khai thác kinh doanh loại hình thủy phi cơ. Theo giới thiệu, bên cạnh các chuyến bay nội địa tại Việt Nam, hãng Hàng không Hải Âu còn cung cấp các đường bay riêng qua hơn 20 điểm đến tại Việt Nam.

Ngoài Hải Âu, ngày 13/6/2019, ông Trần Trọng Kiên góp vốn thành lập CTCP Hàng không Thiên Minh (Hàng không Thiên Minh) ngay sau thời điểm Thiên Minh Group phát hành trái phiếu chỉ 1 ngày.

Hàng không Thiên Minh có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó ông Kiên nắm giữ 60% cổ phần; 2 cổ đông còn lại là Thiên Minh Group và bà Trần Thu Hằng lần lượt nắm giữ 30% và 10% cổ phần.

Tháng 10/2019, Hàng không Thiên Minh đã gửi hồ sơ lên Sở KH&ĐT Quảng Nam đề xuất thành lập Hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir), vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. 

Về quy mô dự án, công ty này đề xuất đầu tư tổng cộng 30 máy bay tới năm 2024, trong đó, có 15 máy bay ATR72 và 15 máy bay A320/A321 (hoặc dòng máy bay có năng lực tương đương). KiteAir nhắm vào phân khúc hàng không chi phí thấp với đội máy bay chủ lực là ATR.

Tuy nhiên, tháng 5/2020, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lập hãng mới sau năm 2022, khi thị trường hàng không phục hồi hoàn toàn hậu Covid-19. 

Đến tháng 7/2020, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ GTVT về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới theo hướng không xem xét thành lập hãng hàng không mới cho đến hết năm 2021. Bộ KH&ĐT được giao, với chức năng là cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều, căn cứ kiến nghị của Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng về chủ trương đầu tư Dự án.

Bạch Hiền

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/thien-minh-group-cua-chu-tich-tran-trong-kien-khat-no-goc-lai-trai-phieu-2054646.htm