Thống kê lạ: Người Việt chủ yếu gọi ship đồ ăn trưa, riêng GenZ lại thích đặt đồ ăn đêm

Khảo sát từ Decision Lab cho thấy bữa trưa là thời điểm bận rộn nhất của các ứng dụng giao đồ ăn, nhưng xu hướng này đảo ngược ở nhóm người dùng trẻ tuổi, vốn ưa chuộng đặt món vào buổi tối và đêm.

Người Việt chủ yếu gọi ship đồ ăn trưa, riêng người trẻ lại thích ship đồ ăn đêm - Ảnh 1.

Theo báo cáo thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam do Decision Lab vừa công bố, có sự khác biệt rõ rệt về thói quen đặt đồ ăn qua ứng dụng theo độ tuổi của người dùng Việt. Báo cáo, được thực hiện qua khảo sát trực tuyến với 1.000 người dùng tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã phần nào phản ánh hành vi của người tiêu dùng Việt và tính cạnh tranh trên thị trường ứng dụng giao đồ ăn.

Số liệu chỉ ra rằng, giờ cao điểm của toàn thị trường là khoảng thời gian ăn trưa, từ 11h đến 13h, chiếm tới 32% tổng số đơn giao đồ ăn trong ngày. Tuy nhiên, một xu hướng thú vị được ghi nhận ở nhóm khách hàng trẻ. 

Lứa tuổi 16-24 lại có xu hướng đặt đồ ăn tối và ăn đêm cao vượt trội các nhóm tuổi khác với 17% đơn hàng được đặt từ 19h trở đi. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với các nhóm tuổi khác, cho thấy thói quen tiêu dùng và sinh hoạt về đêm của giới trẻ đang định hình một phân khúc riêng cho thị trường.

Khi được hỏi về lý do đặt món, "phục vụ bữa ăn thường ngày cho bản thân" là lựa chọn phổ biến nhất, chiếm 52%. Tuy nhiên, các yếu tố cảm xúc cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Có đến 45% người dùng cho biết họ đặt đồ ăn để "tự thưởng cho bản thân", và 44% dùng việc này như một cách để "thư giãn và giải tỏa căng thẳng". Điều này cho thấy các ứng dụng giao đồ ăn không chỉ là một tiện ích, mà còn trở thành một phần trong đời sống tinh thần của người dân thành thị.

Về các món được ưa chuộng nhất, trà sữa (31%) và thức ăn nhanh (28%) đang dẫn đầu danh sách. Theo sau là các món cơm (21%), đồ ăn vặt (19%), và các loại nước ép, sinh tố (16%). Sự thống trị của các món ăn liền, tiện lợi và dễ chia sẻ cho thấy nhu cầu về sự nhanh gọn và trải nghiệm ăn uống mang tính xã hội. Đa số các đơn hàng thường dành cho nhóm nhỏ từ 2-3 người (56%).

Báo cáo cũng cho thấy một thị trường cực kỳ sôi động với cuộc đua song mã giữa ShopeeFood và GrabFood. Xét trên toàn thị trường được khảo sát, ShopeeFood đang chiếm ưu thế với 49% thị phần, trong khi GrabFood theo sau với 42%.

Tuy nhiên, bức tranh lại hoàn toàn khác biệt ở từng địa phương. Tại Hà Nội, ShopeeFood chiếm lĩnh thị trường với 56% thị phần. Ngược lại, tại TP.HCM, GrabFood lại là người dẫn đầu với 50% thị phần. Thị trường Đà Nẵng chứng kiến sự cân bằng khi hai ông lớn này có thị phần gần như tương đương nhau (ShopeeFood 48% và GrabFood 52%).

Sự khác biệt này cũng thể hiện qua nhân khẩu học người dùng. ShopeeFood có thế mạnh vượt trội ở nhóm người dùng trẻ tuổi (16-24), trong khi GrabFood lại được ưa chuộng hơn bởi các nhóm tuổi lớn hơn. 

Người dùng Việt cũng không hoàn toàn trung thành với một ứng dụng duy nhất. Trung bình, một khách hàng đã sử dụng 1,7 ứng dụng giao đồ ăn khác nhau trong tháng gần nhất, cho thấy họ có xu hướng tìm kiếm các chương trình khuyến mãi và lựa chọn đa dạng thay vì gắn bó với một nền tảng.

Thúy Hạnh

Đàm Thị Thuý Vân

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/thong-ke-la-nguoi-viet-chu-yeu-goi-ship-do-an-trua-rieng-genz-lai-thich-dat-do-an-dem-205250709011118581.htm