Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an mới đây đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 23 bị can trong vụ án tham nhũng trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội (BHXH) xảy ra trên nhiều tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam.
Theo đó, với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dược Sơn Lâm, bị can Phạm Văn Cách đã cấu kết với bị can Nguyễn Mạnh Quyền (Tổng giám đốc CTCP Y dược LanQ) dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng của BHXH tỉnh Bắc Giang và của người dân cùng chi trả.
Kết luận điều tra thể hiện, cuối năm 2019, Thông tư 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế ban hành cho phép các cơ sở y tế tư nhân được phép tự lựa chọn đơn vị cung cấp thuốc theo quy định của Luật Đấu thầu.
Nắm bắt được điều này, Nguyễn Mạnh Quyền đã bàn bạc, thống nhất với Phạm Văn Cách về việc Công ty LanQ sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp thuốc.
Theo đó, Công ty Sơn Lâm sẽ phối hợp, giúp Công ty LanQ dùng các thủ đoạn gian dối để Công ty Sơn Lâm là đơn vị duy nhất trúng thầu với giá trúng thầu cao nhất có thể theo năng lực của 2 công ty, với mục đích là để hợp thức giá thuốc đầu vào cao, quyết toán được nhiều tiền từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang, chia nhau hưởng lợi.
Thực hiện thỏa thuận trên, Phạm Văn Cách chỉ đạo cấp dưới xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu bằng việc đưa ra các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu, tạo lợi thế cho Công ty Sơn Lâm.
Các bị can cũng nhờ công ty dược khác tham gia đấu thầu với vai trò làm "quân xanh" để tránh sự nghi ngờ của cơ quan chức năng nếu bị thanh tra, kiểm tra. Với sự sắp xếp, dàn dựng trên, Công ty Sơn Lâm là đơn vị duy nhất đủ điều kiện trúng thầu.
Ngày 16/1/2020, Công ty Sơn Lâm và Công ty LanQ ký hợp đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Quyền và Cách tiếp tục lợi dụng kẽ hở trong việc kiểm soát thuốc đầu vào của Bảo hiểm xã hội để móc ngoặc với Công ty cổ phần đông dược Hà Nội CQB (ở phường Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), do vợ chồng Nguyễn Quang Cường, Phạm Thị Thanh Nhàn quản lý, điều hành, mua thuốc với giá rẻ hơn nhưng không có hóa đơn chứng từ.
Công ty Sơn Lâm chịu trách nhiệm xuất hóa đơn bán hàng theo giá trúng thầu, lập phiếu xuất kho, cung cấp bao bì nhãn mác cho Công ty LanQ để hợp thức đầu vào cho số thuốc mua của Công ty CQB. Ngoài phần thuế VAT phải nộp cho Nhà nước, Công ty Sơn Lâm sẽ được hưởng 18% trên tổng giá trị hóa đơn xuất khống.
Phạm Văn Cách, cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Dược Sơn Lâm và Nguyễn Mạnh Quyền, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty LanQ (bên phải).
Căn cứ hóa đơn mua bán, cơ quan điều tra xác định từ ngày 26/3/2020 đến ngày 28/4/2021, Công ty Sơn Lâm đã xuất 100 hóa đơn cung cấp thuốc cho Công ty LanQ với tổng giá trị hơn 55 tỷ đồng…Sau khi hợp thức hóa đầu vào thuốc, thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Công ty LanQ đã làm hồ sơ, được thanh toán hơn 40 tỷ đồng từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang và của người dân chi trả.
Đáng chú ý, để được Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang tạo điều kiện giải ngân sớm và vượt quy định tiền tạm ứng kinh phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Mạnh Quyền đã chỉ đạo nhân viên nhiều lần hối lộ Thân Đức Lại, cựu giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang.
Cơ quan điều tra xác định, từ quý I/2017 đến quý IV/2021, Nguyễn Thúy Kim Kế toán trưởng Công ty Y dược LanQ đến gặp, đưa nhiều lần tiền (từ 7 triệu đồng đến 60 triệu đồng/quý) cho Thân Đức Lại.
Trong những lần đưa này tại phòng làm việc của Lại ở Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang vào đầu mỗi quý (thường vào ngày 5, 6 các tháng 1, 4, 7, 10 hàng năm khi gửi mẫu đề nghị thanh toán cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang) với tổng số tiền 700 triệu đồng.
Sau mỗi lần nhận tiền, Thân Đức Lại chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện, ưu ái cho Công ty LanQ trong quá trình làm thủ tục giản ngân tiền tạm ứng kinh phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trình cho cựu giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang phê duyệt.
Chưa hết, trong quá trình cung cấp thuốc vào một số bệnh viện, trung tâm y tế, Phạm Văn Cách đã đưa hối lộ hơn 71 tỷ đồng cho nhiều quan chức, cán bộ để "bôi trơn".
Trong đó, ông Huỳnh Nguyễn Lộc, nguyên Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, là người có thẩm quyền quyết định trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng mua thuốc phục vụ khám, chữa bệnh BHYT tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM. Ông Lộc bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao thỏa thuận, nhận hối lộ hơn 47 tỷ đồng từ ông Phạm Văn Cách để tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Sơn Lâm trong quá trình cung cấp thuốc vào viện này.
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Nguyên, bà Trương Thị Thu Hương với vai trò là Giám đốc bệnh viện đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao yêu cầu, thỏa thuận nhận hối lộ hơn 10 tỷ đồng từ ông Cách trong quá trình Bệnh viện ký kết, thực hiện hợp đồng mua thuốc của Công ty Sơn Lâm.
Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định hàng loạt lãnh đạo và cán bộ các bệnh viện tuyến tỉnh cũng tham gia nhận hối lộ từ Công ty Sơn Lâm như: bị can Đinh Thị Mộng Thanh, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Tây Ninh (Bệnh viện Tây Ninh), đã nhận hơn 4,1 tỷ đồng, hưởng lợi cá nhân hơn 2,3 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Thị Hiệu, Trưởng phòng Tài chính Kế toán của bệnh viện Tây Ninh, dù không trực tiếp thỏa thuận nhưng biết rõ hành vi vi phạm vẫn nhiều lần nhận tiền từ doanh nghiệp, tổng cộng 1,8 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bà Thanh thành khẩn khai báo, nộp lại 2,2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả; bà Hiệu nộp lại hơn 355 triệu đồng.
Bị can Cao Hữu Hạng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tây Ninh phụ trách dược, đã nhận 188 triệu đồng và tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền này. Võ Thị Kim Loan, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bến Tre, nhận 940 triệu đồng từ Phạm Văn Cách; hiện đã nộp lại toàn bộ số tiền.
Nguyễn Văn Trịnh, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch (Lâm Đồng), được giao thẩm quyền ký kết hợp đồng, đã nhận 955 triệu đồng và nộp lại toàn bộ để khắc phục.
Nguyễn Duy Thanh, Phó Trưởng khoa thuộc Trung tâm Y tế thị xã Mỹ Hào (từng công tác tại Bệnh viện đa khoa Phố Nối), bị cáo buộc nhận 626 triệu đồng. Ông Thanh khai báo thành khẩn và nộp lại 646 triệu đồng, cao hơn số tiền nhận được do có yếu tố hoàn trả vượt.
Quách Thị Lịch, nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế toán Bệnh viện Y Dược cổ truyền Hưng Yên, bị cáo buộc đã nhận 507 triệu đồng và nộp lại toàn bộ…
Tất cả các bị can nêu trên đều bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ" theo Điều 354 Bộ luật Hình sự .
Đáng chú ý, hành vi nhận hối lộ không chỉ dừng ở lãnh đạo cấp cao mà còn lan xuống các cấp trung gian, từ trưởng/phó phòng tài chính – kế toán, đến phó trưởng khoa dược. Hệ thống này vận hành theo quy trình "ngầm", trong đó doanh nghiệp cung cấp thuốc phải chi tiền phần trăm mới được tạo điều kiện trúng thầu.
Cơ quan điều tra nhận định, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, hoạt động tội phạm diễn ra từ năm 2015 đến nay mới bị phát hiện nên khó khăn trong việc điều tra, xử lý.
Các đối tượng đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong quy định về tổ chức đấu thầu và việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán vị thuốc cổ truyền, dược liệu để thông đồng, cấu kết, dùng thủ đoạn gian dối, tinh vi chiếm đoạt tiền của BHXH.
Quá trình điều tra còn làm rõ một số cá nhân có thẩm quyền thuộc nhiều bệnh viện, trung tâm y tế đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng mua sắm vị thuốc cổ truyền, dược liệu phục vụ khám bệnh, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, y học dân tộc và BHXH.
Hoàng Lam (t/h)
Hà Thị Lưu Luyến