"Mồi nhử" mà bọn chúng đưa ra rất hấp dẫn như với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20%. Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập, đã sập bẫy của các đối tượng.
Mới đây, một người đàn ông ở quận Tây Hồ đã bị lừa hơn 2 tỷ đồng khi làm cộng tác viên online. Theo đó, vào ngày 01/4/2024, ông H (SN 1978; HKTT: Tây Hồ, Hà Nội) đến Công an quận Tây Hồ trình báo việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông H cho biết, có nhận được lời mời làm cộng tác viên online tại nhà, chỉ cần làm nhiệm vụ tương tác cho sàn điện tử Lazada sẽ được tiền hoa hồng hằng ngày. Ông H đã chuyển hơn 2 tỷ đồng nhưng không rút được tiền gốc và hoa hồng ra. Lúc này ông mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
Trước đó, trong tháng 3 vừa qua, đã có nhiều vụ “mất tiền oan” bởi hình thức này, mỗi lần/người đều bị chiếm đoạt khoảng 1 tỷ đồng.
Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, liên tục đã có nhiều cảnh báo của cơ quan công an, nhưng vẫn có nhiều người do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng.
Các đối tượng đưa ra "chính sách" rất hấp dẫn như với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng lãi cao. Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền.
Nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, sinh viên có nhu cầu làm thêm, bán hàng online để kiếm thêm thu nhập đã sập bẫy của các đối tượng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia Cục An toàn thông tin còn nhận định rằng đang nở rộ xu hướng lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử và công ty lớn với mức thù lao hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản người dùng. Theo ghi nhận từ các hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin, các công ty lớn như Amazon, TikTok hay các trang thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee… đều đã bị các đối tượng mạo danh để dụ người dùng “sập bẫy” lừa đảo.
Qua đây, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp, thông qua nhiều nguồn khác nhau, để kiểm chứng tính chính xác.
Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngoài thủ đoạn lừa đảo trên, từ đầu năm đến nay, Công an TP. Hà Nội cũng tiếp nhận trình báo của rất nhiều nạn nhân, về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó có nạn nhân trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.
Có thể chỉ ra một số thủ đoạn như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tham gia các chương trình tuyển mẫu ảnh nhí, tham gia trại hè...; giả mạo cán bộ của UBND phường/xã gọi điện thông báo người dân tích hợp mã định danh trên cổng dịch vụ công; giả mạo cán bộ công an, viện kiểm sát…
Ngọc Hiền
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/thu-doan-qua-quen-nhung-van-lua-duoc-nhieu-nguoi-mat-tien-ty-20512243.htm