Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: BTC
Chia sẻ tại Hội thảo "Thuốc giả - hệ lụy thật: Giải pháp nào ngăn chặn" hôm 26/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người. Bất kỳ hành vi sản xuất, buôn bán, lưu hành thuốc giả nào - dù chỉ là một viên thuốc - cũng là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội và cần bị lên án, xử lý nghiêm minh.
Thứ trưởng cho biết, thực tế trong thời gian qua cho thấy mặc dù hệ thống pháp luật, thanh tra - kiểm tra, kiểm nghiệm đã có nhiều tiến bộ nhưng tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, đặc biệt là thuốc cổ truyền, thuốc không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên mạng xã hội, vẫn diễn biến phức tạp.
Lợi dụng lòng tin của người bệnh, sự nhẹ dạ của người dân, không ít đối tượng đã sử dụng mạng xã hội, người nổi tiếng, thậm chí cả danh xưng của bác sĩ, để quảng cáo thuốc giả như "thần dược".
"Quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề này rất rõ ràng và nhất quán, phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời, phải xử lý cả hành vi bao che, tiếp tay, thiếu trách nhiệm trong quản lý, để thuốc giả tồn tại và len lỏi vào hệ thống phân phối thuốc", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội thảo, luật sư Phan Thành Tâm, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết hiện nay có 10 cơ sở pháp lý cho công tác quản lý dược, trong đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Theo khoản 1 Điều 194: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì bị xử phạt từ 2-7 năm tù.
Còn theo khoản 2 Điều 194, người nào nếu phạm tội có tình tiết tăng nặng như có tổ chức, phạm tội 2 lần trở lên, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt từ 5-12 năm tù. Các điều 195-197: quy định các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, có liên quan đến thuốc giả và dược phẩm.
Ông Tâm nhận định Điều 194 Bộ luật Hình sự hiện hành chưa đủ tính răn đe. Tội buôn bán thuốc giả có thể chỉ bị xử án treo, chưa tương xứng với hậu quả và nguy cơ xã hội.
Ông Tâm cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự hiện hành, tăng hình phạt và mở rộng chế tài hình sự với các hành vi nhập khẩu, sản xuất, vận chuyển, buôn bán thuốc giả. Điều 194 Bộ luật Hình sự hiện tại chưa đủ nghiêm minh, cần sửa đổi để phù hợp hơn với thực tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng giải pháp để ngăn vấn nạn thuốc giả là nâng cao mức xử phạt hành chính, xử phạt hình sự. Hiện nay, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng và được đồng ý cho phép nâng mức xử phạt.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là chính quyền cơ sở và tăng cường kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp có sản phẩm nghi ngờ là giả. Nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực hệ thống kiểm nghiệm để phát hiện thuốc giả.
"Việc tăng mức xử phạt giao thông đã nâng cao mức nhận thức của người dân, các ca cấp cứu do tai nạn giao thông đã giảm mạnh vì mức xử phạt cao. Do đó, nếu tăng mức xử phạt hành chính, xử phạt hình sự với thuốc giả, thực phẩm chức năng giả thì vấn nạn này sẽ giảm mạnh đi", Thứ trưởng nói.
Phan Trang
Đàm Thị Thuý Vân
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/thu-truong-bo-y-te-tang-xu-phat-hanh-chinh-hinh-su-de-ngan-van-nan-thuoc-gia-205250526165018117.htm