Sáng 8/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành liên quan để rà soát, nắm tình hình, đưa ra các giải pháp chủ động, tích cực, từ sớm, từ xa nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước.
Cuộc họp này nhằm đánh giá, nhấn mạnh thêm 2 nội dung trong điều hành kinh tế vĩ mô: Vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt cận trên, kiểm soát lạm phát ở cận dưới so với mục tiêu đã đề ra (mục tiêu đã đề ra là tăng trưởng GDP từ 6-6,5% và lạm phát từ 4-4,5%), ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chính sách tài khoá phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau, kiểm soát bội chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, với quan điểm thể chế, cơ chế, chính sách cũng là nguồn lực, sẽ sớm thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nhất là các quy định liên quan đầu tư công, hợp tác công tư, ngân sách, thuế… trên cơ sở đó để đề xuất ban hành một văn bản luật để sửa nhiều luật. Khẩn trương tổng kết các chính sách, cơ chế đặc thù. Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Để đẩy mạnh tăng trưởng, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, sát tình hình, kịp thời, hiệu quả, sử dụng các công cụ hợp lý, hiệu quả. Cùng với đó, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đặc biệt tiếp tục nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán.
Liên quan tới vấn đề nâng hạng thị trường, mới đây, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 624/QĐ-UBCK ngày 03/06/2024 phê duyệt Chương trình hành động của UBCKNN triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.
Bắc Kiên
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/thu-tuong-chi-dao-no-luc-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-20515875.htm