Tờ WSJ đưa tin, Volkswagen đang cân nhắc đóng cửa các nhà máy sản xuất xe và linh kiện tại Đức để cắt giảm chi phí. Động thái này diễn ra trong bối cảnh hãng sản xuất ô tô này phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Tập đoàn cho biết tất cả các thương hiệu của mình cần tái cấu trúc toàn diện để kiểm soát chi phí nhà máy, lao động, sản phẩm và vật liệu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ châu Âu cũng như các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Điều đáng nói, Đức là chiến trường chính của các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã thành danh như Mercedes-Benz Group, BMW và các hãng khác mà Volkswagen phải cạnh tranh. Đồng thời, Volkswagen phải đối mặt với áp lực gia tăng từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang giành thị phần nhờ các chiến lược định giá mạnh mẽ và thúc đẩy xe điện.
"Ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang trong tình thế rất khó khăn và nghiêm trọng", Tổng giám đốc điều hành Oliver Blume cho biết trong một tuyên bố. "Môi trường kinh tế trở nên khó khăn hơn và các đối thủ cạnh tranh mới đang thâm nhập thị trường châu Âu".
"Trong khi đó, Đức đang tụt hậu hơn nữa về khả năng cạnh tranh với tư cách là một trung tâm sản xuất và Volkswagen cần phải kiềm chế chi phí", Blume nói thêm. Nhóm cho biết việc đóng cửa nhà máy không còn có thể loại trừ vì các biện pháp cắt giảm chi phí đơn thuần sẽ không đủ để giải quyết những thách thức mà Volkswagen đang phải đối mặt.
Thomas Schaefer, người đứng đầu thương hiệu chủ lực của tập đoàn cho biết công ty muốn khởi động các cuộc thảo luận với đại diện của người lao động để tìm hiểu cách tái cấu trúc thương hiệu.
Công đoàn IG Metall cho biết ban điều hành của Volkswagen đã chất vấn các quản lý tại các nhà máy ở Đức tại các cuộc họp vào thứ hai cũng như các thỏa thuận tiền lương tập thể nội bộ và chương trình bảo đảm việc làm kéo dài đến cuối năm 2029.
Vào tháng 12, Volkswagen đã đạt được thỏa thuận với người lao động để giúp thương hiệu chủ lực của mình tiết kiệm hàng tỷ euro trong năm nay bằng cách cắt giảm quy mô lực lượng lao động.
Vào thời điểm đó, công ty cho biết họ đặt mục tiêu cắt giảm 20% chi phí nhân viên hành chính tại thương hiệu Volkswagen như một phần của chương trình tái cấu trúc. Công ty cũng cam kết không thực hiện cắt giảm nhân sự bắt buộc cho đến cuối năm 2029 và thay vào đó lựa chọn duy trì lệnh đóng băng tuyển dụng và mở rộng một phần kế hoạch nghỉ hưu cho những nhân viên sinh năm 1967.
Schaefer cho biết: "Chúng tôi tiếp tục cam kết coi Đức là một địa điểm kinh doanh quan trọng. Chương trình Hiệu suất của thương hiệu Volkswagen được hình thành tốt và mang lại kết quả. Nhưng những cơn gió ngược đã trở nên mạnh hơn đáng kể".
Theo The Economist, các nhà sản xuất ô tô đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn từ tham vọng chuyển đổi điện khí hóa. Các chuyên gia cùng ngành thừa nhận nhiều nhà máy sẽ phải thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí là đóng cửa, nếu còn đang sản xuất các bộ phận cho động cơ đốt trong.
Một trong những rào cản lớn nhất của Volkswagen là ô tô của hãng vốn được phát triển ở Đức để phục vụ khách hàng châu Âu, sau đó mới được điều chỉnh để phù hợp cho người tiêu dùng Trung Quốc. Trong nhiều năm, chiến lược có phần "cũ kỹ" này đã khiến thương hiệu gặp khó, nhất là sau khi các thương hiệu nội địa Trung tung ra mẫu xe công nghệ mới thông minh hơn.
Theo một cựu giám đốc điều hành quyết định rời công ty trong những năm gần đây để gia nhập một nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc, Volkswagen có thể sẽ gặp "trái đắng" bởi sự "bảo thủ" khi làm xe điện khi các thương hiệu khác đang tung ra nhiều mẫu thử nghiệm vận dụng công nghệ tiên tiến.
Theo The Economist, ngành công nghiệp xe hơi đóng vai trò vô cùng quan trọng với kinh tế Đức. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 48 trong tổng số 400 thành phố và quận của Đức đều phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp ô tô nếu xét tới số lượng việc làm. Chính vì vậy, theo Wolfgang Schroeder, thành viên tại WZB, nếu ngành sản xuất ô tô tàn lụi, nước Đức sẽ phải đối mặt với "nhiều cuộc khủng hoảng cục bộ ". Các mối quan hệ công nghiệp nhìn chung cũng sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
"Ô tô là biểu hiện lớn nhất của việc Đức tập trung hoàn toàn vào kỹ thuật cơ khí", ông Rüdiger Bachmann nói, đồng thời cho biết một khi ngành công nghiệp xe hơi không còn giữ vị thế thống trị, trợ cấp chính phủ sẽ có xu hướng chảy vào các công ty khởi nghiệp. Ngày càng ít thanh niên Đức sẽ theo học kỹ thuật cơ khí và thay vào đó, họ chọn khoa học máy tính nhiều hơn.
Theo: WSJ
C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn