Thung lũng Nữ Hoàng tất toán trước hạn 2 lô trái phiếu trị giá 3.000 tỷ đồng

Thung lũng Nữ Hoàng đã hoàn tất mua lại trước hạn hơn 656 tỷ đồng trái phiếu còn đang lưu hành của 2 mã QVCBOND.2019-1 và QVCBOND.2019-2.

thung-lung-nu-hoang-tat-toan-truoc-han-2-lo-trai-phieu-tri-gia-3000-ty-dong-antt-1697359616.jpg
Chủ đầu tư Dự án Thung lũng Nữ Hoàng tất toán trước hạn 2 lô trái phiếu trị giá 3.000 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ.

Theo báo cáo kết quả mua lại trái phiếu trước hạn được công bố trên HNX, CTCP Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng đã hoàn tất mua lại trước hạn hơn 656 tỷ đồng giá trị còn đang lưu hành của 2 lô trái phiếu.

Cụ thể, ngày 13/10 vừa qua, công ty đã mua lại toàn bộ 106,03 tỷ đồng giá trị trái phiếu còn đang lưu hành của mã QVCBOND.2019-1. Lô trái phiếu này được phát hành ngày 6/8/2019, đáo hạn ngày 6/8/2024 và có giá trị phát hành là 1.500 tỷ đồng

Cũng trong ngày 13/10, công ty đã mua lại toàn bộ 550 tỷ khối lượng đang lưu hành của lô trái phiếu QVCBOND.2019-2 trị giá 1.500 tỷ đồng phát hành ngày 30/10/2019, đáo hạn ngày 30/10/2024.

Bắt đầu từ tháng 6/2022, Thung Lũng Nữ Hoàng đã thực hiện mua lại trước hạn một phần lô trái phiếu QVCBOND.2019-2 và từ tháng 11/2022, doanh nghiệp này cũng liên tục mua lại trước hạn lô trái phiếu QVCBOND.2019-1. Như vậy, sau hơn 1 năm, Thung lũng Nữ Hoàng đã chi 3.000 tỷ đồng để hoàn tất mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu trên.

Ngoài 2 lô trái phiếu mới được hoàn tất mua lại trước hạn này, Thung lũng Nữ Hoàng còn 1 lô trái phiếu mã QVCBOND.2018 đã đáo hạn vào ngày 9/4 vừa qua. Như vậy, hiện tại, Thung lũng Nữ Hoàng đã không còn dư nợ trái phiếu.

Theo tìm hiểu, CTCP Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng được thành lập từ ngày 10/10/2003, có địa chỉ trụ sở tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh khu vui chơi giải trí. Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật hiện tại là ông Phạm Trường Thăng.

Thung Lũng Nữ Hoàng được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí cùng tên tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Dự án được UBND tỉnh Hoà Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 9/2020, tháng 1/2021 duyệt nhà đầu tư, tháng 10/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư và tháng 3/2022 có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án.

Đặc biệt, vào năm 2021, Thanh tra Chính phủ từng điểm mặt nhiêu dự án "rùa bò" ở tỉnh Hòa Bình. Đối với dự án Khu nghỉ ngơi vui chơi giải trí thung lũng Nữ Hoàng của CTCP du lịch thung lũng Nữ Hoàng, Thanh tra Chính phủ xác định, dự án đã giải phóng mặt bằng và nhận bàn giao mốc giới ngoài thực địa 67,8ha đất, còn khoảng 30ha/90 thửa của 65 hộ dân nằm xôi đỗ chưa GPMB, nên gặp nhiều khó khăn cho việc triển khai thi công xây dựng.

Chủ đầu tư đã xây dựng một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hiện đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Dự án chậm tiến độ 2 năm 5 tháng.

Về tình hình tài chính, theo báo cáo định kỳ về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2023, tính đến ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của thung lũng Nữ Hoàng tăng gấp 1,7 lần, từ 599,5 tỷ đồng lên tới 999,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tại kỳ báo cáo này, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lại chỉ đạt hơn 17 triệu đồng, giảm hơn 34,2% so với khoản lãi ròng 26,6 triệu đồng của cùng kỳ năm 2022.

Kỳ này, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu của Thung Lũng Nữ hoàng giảm từ 5,50 xuống còn 3,72 lần; tương ứng doanh nghiệp có tổng nợ phải trả tại thời điểm cuối quý II/2023 ở mức hơn 3.718 tỷ đồng.

Hà Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/thung-lung-nu-hoang-tat-toan-truoc-han-2-lo-trai-phieu-tri-gia-3000-ty-dong-2054786.htm