Sau khi đại dịch bùng phát và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vào tháng 3/2020, Andrew Levy, trước đây từng là nhà sản xuất các video quảng cáo, bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Vào tháng 1/2022, anh và đối tác thành lập AdPipe - công ty phần mềm sử dụng AI để tạo nên những thước phim hoàn toàn mới.
“Chúng tôi chỉ đang cố gắng tồn tại. Đó thực sự là một thành công vang dội. Chúng tôi nỗ lực gấp đôi và AdPipe đã ra đời”, Andrew Levy kể.
Đặt trụ sở tại Athens với 25 nhân viên, AdPipe là một phần của làn sóng các công ty khởi nghiệp tận dụng những thay đổi hậu đại dịch COVID-19. Khoảng 1,6 triệu doanh nghiệp mới đã được tạo ra vào 2023, tính đến tháng 11 - mức cao nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi nhận vào năm 2005.
Sự trỗi dậy của doanh nghiệp diễn ra theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu vào giữa năm 2020.
John Haltiwanger, nhà kinh tế học tại Đại học Maryland, cho biết Covid-19 khiến mọi người có nhiều thời gian hơn, trong khi những thay đổi lớn trong lối sống mở ra rất loạt cơ hội. Các công ty khởi nghiệp trước đây đóng góp khoảng 20% số việc làm mới, đồng thời là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng năng suất.
“Đại dịch đã thúc đẩy một điều gì đó thực tế và có ý nghĩa về mặt kinh tế”, Kenan Fikri, giám đốc nghiên cứu của Nhóm Đổi mới Kinh tế, cho biết.
Michael Davis dành phần lớn sự nghiệp của mình cho lĩnh vực chiến lược kinh doanh và khởi nghiệp công nghệ ở New York và Seattle. Tuy nhiên, do phí bất động sản Seattle đắt đỏ, anh và vợ đã chuyển đến Atlanta vào đầu năm 2021 - nơi chi phí nhà ở chỉ bằng một nửa.
Khoảng 30 người bạn của Davis cũng chuyển từ Seattle đến Atlanta kể từ khi đại dịch bùng phát. Họ muốn khởi nghiệp nhưng không thể thành lập công ty ở những trung tâm công nghệ đắt đỏ ven biển, chẳng hạn như Thung lũng Silicon.
Được biết, Thung lũng Silicon đã ngự trị trong nhiều thập kỷ với tư cách “cái nôi công nghệ” xứ cờ hoa, ngôi nhà của những gã khổng lồ như Apple, Google và Facebook, theo Yahoo News. Tuy nhiên, hào quang đó đang dần vụt tắt từ sau đại dịch, do các chính sách làm việc từ xa và hàng loạt vụ sa thải lớn.
Vào tháng 6, Davis đồng sáng lập Homegrown - công ty cung cấp tài chính dựa trên doanh thu và hỗ trợ chiến lược cho các doanh nghiệp truyền thống địa phương. Anh cũng đang hợp tác với các công ty đa lĩnh vực, bao gồm chăm sóc sức khỏe, dịch vụ thú cưng, khách sạn và thể hình.
“Một lượng lớn người dân đang lấp đầy thành phố và các vùng ngoại ô xung quanh Atlanta. Họ muốn chúng tôi mở rộng ở những nơi đó”, Davis nói. “Sẽ bớt rủi ro hơn nếu bạn không phải trả chi phí sinh hoạt quá cao ở những khu vực như San Francisco, Seattle hay New York”.
Trong khoảng thời gian từ năm 2020-2022, số lượng đơn đăng ký kinh doanh mới tăng 75% so với 3 năm trước đại dịch. Tại New Orleans và các quận xung quanh, lượng đơn đăng ký mới tăng 59% so với khoảng 20% ở Seattle và 13% ở Boston.
Shelly Scott từng làm việc tại một công ty phần mềm tài chính ở San Francisco. Thời điểm đại dịch bùng phát, cô gái này đã phải rất chật vật tìm kiếm người chăm sóc cho cặp song sinh mới biết đi.
Sau cùng, Scott và gia đình quyết định chuyển đến Atlanta để giảm chi phí sinh hoạt, đồng thời tiếp tục làm việc từ xa. Cuối năm 2022, Scott nghỉ việc và bắt đầu nghiên cứu kế hoạch khởi nghiệp GetSidekicks - công ty chuyên hỗ trợ kết nối các gia đình có con nhỏ với người giúp việc theo giờ.
“Cuộc đấu tranh của tôi trong việc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc trẻ em đã tạo động lực để GetSidekicks ra đời”, Scott nói.
Theo Business Insider, mô hình kinh doanh của Thung lũng Silicon giờ đây không còn là miền đất hứa cho những nhân tài công nghệ mà chỉ biết chạy theo xu hướng. Quy mô hoạt động của nó cũng đang thay đổi và dần mở rộng ra ngoài phía nam San Francisco.
“COVID-19 đã thay đổi toàn bộ thị trường. Các công ty muốn chiêu mộ nhân tài sẽ phải cạnh tranh với cả trung tâm công nghệ ở Vùng Vịnh lẫn toàn nước Mỹ”, chuyên gia Brent Williams của công ty tuyển dụng Michael Page
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn mà Thung lũng Silicon đang gặp phải, giáo sư kinh tế Nicholas A Bloom của Stanford vẫn lạc quan rằng khu vực này vẫn sẽ “vững trãi”. “Nơi đây đã trải qua nhiều chu kỳ, bao gồm cuộc suy thoái hồi năm 2001 và 2008, nhưng vẫn phục hồi mạnh mẽ”, ông nói thêm.
Đồng quan điểm, giáo sư Margaret O’Mara cũng cho rằng sẽ không nhiều công ty rời khỏi Thung lũng vì nơi đây có những đặc điểm riêng biệt không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu.
“Vùng Vịnh và San Francisco có sức hút bền bỉ. Có lý do để mọi người đến đó. Họ muốn ở đó. Điều này vẫn đúng, ngay cả khi California đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở và nhiều nhân viên đổ xô đến các bang rẻ hơn’’, bà nói. “Một kỷ nguyên của Thung lũng Silicon có thể đã kết thúc, song chưa phải dấu chấm hết hoàn toàn’’.
Theo: WSJ, The Guardian
Vũ Anh