Mới đây chuỗi trà nổi tiếng của Trung Quốc - Heytea đã chính thức ra mắt tại New York (Mỹ). Ngay lập tức thương hiệu này đã thu hút một lượng khách hàng lớn háo hức đến nếm thử đồ uống đặc trưng độc đáo của hãng với một lớp kem phô mai béo ngậy được phủ bên trên.
Theo Heytea, cửa hàng ở khu trung tâm Manhattan đã bán được 2.500 cốc vào ngày 8 tháng 12, ngày đầu tiên kinh doanh. Mọi người đã chờ đợi từ hai đến ba giờ bên ngoài để thưởng thức đồ uống trà trái cây của họ như "Very Grape Cheezo" hoặc "Mango Grapefruit Sago", vốn đã trở thành một hiện tượng ở Trung Quốc.
Heytea được thành lập tại Quảng Đông, Trung Quốc vào năm 2012, đã sáng tạo lại loại đồ uống trà truyền thống. Loại trà mới nhất có bọt dày làm từ phô mai kem nhanh chóng được ưa chuộng, khiến Heytea trở thành một cái tên quen thuộc ở Trung Quốc.
Chuỗi này đã mở rộng ra quốc tế kể từ tháng 8, mở các cửa hàng ở Anh, Úc và Canada. Công ty tuyên bố hiện có 3.000 cửa hàng trên toàn cầu, theo Nikkei Asia.
Mặc dù có sức lan toả mạnh mẽ như vậy trên thế giới nhưng con đường của Heytea tại Việt Nam đã không thể thành công như người đồng hương Mixue.
Năm 2017, trên thị trường Việt Nam xuất hiện thương hiệu trà sữa Heekcaa và Heytea đều sử dụng logo có hình ảnh cậu bé cầm cốc nghiêng 45 độ uống trà với câu chuyện "đạo nhái" thương hiệu khiến người tiêu dùng không biết đâu mới là thật, đâu là giả.
Bắt đầu từ ở quê hương Trung Quốc, sau khi đổi tên từ Royaltea sang Heekcaa vì có tên Royaltea không thể đăng ký tên thương hiệu và có quá nhiều cửa hàng Royaltea "nhái" ra đời, Heekcaa lại vướng phải một rắc rối khác.
Heekcaa là phát âm của tiếng Hồng Kông (ngôn ngữ cantonese) trong khi đó người Trung quốc đại lục sử dụng tiếng phổ thông (ngôn ngữ mandarine) nên rất khó phát âm tên Heekcaa. Và tại Trung Quốc, đến tận tháng 5 năm 2016 Heekcaa mới được cấp văn bằng bảo hộ.
Do đó để tránh bị đạo nhái, vào năm 2016, Heekcaa Trung Quốc đã hợp tác với một công ty chuyên về sản xuất trà đang sở hữu tên Heytea và dùng thêm tên Heytea cho các cửa hàng mở từ năm 2016 trở đi. Các cửa hàng mở trước năm 2016 vẫn để tên Heekcaa không thay đổi.
Có thông tin trên truyền thông vào năm 2017 cho biết: Về vấn đề nhượng quyền, Heytea Trung Quốc sẽ không nhượng quyền cho bất kỳ đơn vị kinh doanh nào ở nội địa Trung Quốc, còn quỹ đầu tư sẽ tìm đối tác để đem thương hiệu Heekcaa ra toàn thế giới. Vậy nên ở các nước khác trừ Trung Quốc, chỉ có Heekcaa mà không thể có một Heytea nào được gọi là "chính hãng".
Chị Lê Thu Thủy, chủ sở hữu Heekcaa by Heytea (nhận nhượng quyền từ đối tác và đã đăng ký ở Việt Nam) trả lời phỏng vấn báo Thiếu niên vào năm 2018 cũng nói, hãng sử dụng tên Heytea còn nhượng quyền ra thế giới sử dụng với thương hiệu Heekcaa.
Theo trang Sohu thì thực chất 2 thương hiệu Heytea và Heekcaa là một. Heekcaa là cách phát âm của Heytea theo tiếng Quảng Đông, nhưng nhiều người ngoài không thể đọc được, vì vậy để không ảnh hưởng đến khả năng lan tỏa, tên Heytea đã được đăng ký.
Khi tìm kiếm từ khóa Heytea trên internet, các kết quả cho ra hình ảnh cửa hàng Heytea ở nhiều nước trên thế giới như Canada, Singapore, Malaysia,... và mới đây là Mỹ.
Cho đến hiện tại người tiêu dùng vẫn mù mờ về tính "chính hãng" của cả 2 thương hiệu này ở Việt Nam. Tuy nhiên điều đó cũng không quá quan trọng vì sau giai đoạn bùng nổ lúc đầu, cả 2 thương hiệu đều đã đi xuống, nhiều cửa hàng đóng cửa.
Hiện tại, fanpage của Heytea đã không thể truy cập hoặc không có thông tin, còn fanpage của Heekcaa tại Việt Nam thông báo đổi tên thương hiệu từ năm 2021, cụ thể:
"Từ ngày 1/6/2021, Heekcaa Việt Nam chính thức chuyển đổi thành thương hiệu #Sabarica. Đây là thương hiệu bọn mình đã ấp ủ ất lâu trước khi ra mắt tại Việt Nam, vẫn giữ tinh thần nhiệt huyết xây dụng từ thương hiệu tới sản phẩm, Sabarica hứa sẽ mang đến những dòng sản phẩm mới độc đáo và đậm vị dành cho dân “sành uống”.
Sau thông báo này fanpage Heekcaa Việt Nam không cập nhật thêm thông tin.
Trọng Nghĩa