Tiền nhiều để làm gì: Một "đại gia" bất động sản KCN đem nghìn tỷ cho loạt CTCK top đầu vay lãi suất rẻ, rót hơn trăm tỷ đầu tư cổ phiếu nhưng vẫn thừa cả đống gửi ngân hàng

Việc "đại gia" này có khả năng bơm hơn nghìn tỷ cho các CTCK vay nhờ sở hữu một "vũ khí" mà khiến doanh nghiệp ao ước.

Việc doanh nghiệp niêm yết đem tiền đi đầu tư các cổ phiếu khác là điều không hiếm trên sàn. Tuy nhiên việc doanh nghiệp cho các công ty chứng khoán vay tiền không quá phổ biến. Ghi nhận tại BCTC quý 4/2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP), tại thời điểm 31/12/2023, doanh nghiệp này phát sinh khoản phải thu từ việc cho vay ngắn hạn gần 956 tỷ đồng đối với Chứng khoán Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank Securities, mã CTS). Cuối quý 3 không ghi nhận khoản mục này.

Theo SIP, đây là khoản vay tín chấp ngắn hạn được hưởng lãi suất từ 5% - 7%/năm.

Động thái này diễn ra sau khi Vietinbank Securities trong tháng 11/2023 công bố nghị quyết về việc phê duyệt việc thực hiện vay vốn tại SIP với hạn mức tối đa 2.000 tỷ đồng (bao gồm các khoản vay đang còn dư nợ), sau đó nâng hạn mức lên 2.500 tỷ đồng theo nghị quyết hồi tháng 1/2024.

Ngoài ra, SIP hiện còn ghi nhận cho với Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vay 311 tỷ, giảm khoảng 400 tỷ so với thời điểm cuối quý 3/2023, cũng với lãi suất từ 4,7% - 7%; và cho CTCP Chứng khoán Cao su vay gần 3 tỷ đồng. 

Tổng giá trị khoản cho vay ngắn hạn đối với các CTCK của SIP xấp xỉ 1.270 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2023.

photo-1710217178680

Vietinbank Securities hay VCBS đều là những công ty chứng khoán top đầu và lâu đời tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc SIP có khả năng bơm hơn nghìn tỷ cho các CTCK vay nhờ tiềm lực tài chính tốt.

Cụ thể cuối năm 2023, SIP có tổng tài sản 21.084 tỷ đồng, tăng 2.081 tỷ đồng so với con số đầu năm. Tài sản sản tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận hơn 827 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn gần 3.014 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh thu chưa thực hiện đạt 11.273 tỷ đồng cộng thêm người mua trả tiền trước hơn 54 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng SIP có hơn 11.300 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện và người mua trả tiền trước. Đây chủ yếu doanh thu nhận trước của khách hàng thuê đất khu công nghiệp và là "của để dành" để phân bổ dần trong những năm tài chính sắp tới của công ty.

Không những đem tiền cho vay và gửi ngân hàng, SIP còn được biết tới là một trong những tay ngang trên sàn với truyền thống đem tiền đi đầu tư cổ phiếu. Cuối năm 2023, SIP ghi nhận khoản đầu tư có giá gốc 122 tỷ đồng tại cổ phiếu TRC của Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh, trích lập dự phòng hơn 281 triệu đồng. Được biết SIP và TRC đều có sự hiện diện của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) trong cơ cấu cổ đông.

photo-1710217218316

Về tình hình kinh doanh chung, lũy kế năm 2023, SIP ghi nhận doanh thu hơn 6.676 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với kết quả năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 1.036 tỷ đồng, tăng trưởng 3%.

So với kế hoạch đã đề ra là doanh thu 5.312 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng. Như vậy công ty đã vượt 26% mục tiêu doanh thu và vượt 37% mục tiêu lợi nhuận.

photo-1710217623935

Liên quan, mới đây, GVR đã công bố kế hoạch tái cơ cấu trong đó dự kiến sẽ chuyển nhượng vốn tại các đơn vị thành viên bao gồm SIP. Hiện GVR nắm giữ hơn 3,6 triệu cổ phiếu SIP tương ứng tỷ lệ gần 2% vốn.


Phương Linh

Phương Linh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/tien-nhieu-de-lam-gi-mot-dai-gia-bat-dong-san-kcn-dem-nghin-ty-cho-loat-ctck-top-dau-vay-lai-suat-re-rot-hon-tram-ty-dau-tu-co-phieu-nhung-van-thua-ca-dong-gui-ngan-hang-20510846.htm