Tiết lộ khoản nợ nghìn tỷ của chủ khách sạn 5 sao lớn nhất Đà Lạt xây vượt phép gần 4.500 m2

Công ty Khải Vy, chủ đầu tư khách sạn 5 sao Merperle Dalat Hotel lớn nhất Đà Lạt xây vượt phép gần 4.500 m2, nhiều lần bị ngân hàng đấu giá khoản nợ hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngày 13/10, UBND TP Đà Lạt vừa có văn bản đề nghị CTCP Khải Vy, chủ đầu tư dự án khách sạn 5 sao Merperle Dalat Hotel (số 01 Hùng Vương, phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) ngưng thi công công trình để xử lý những vi phạm về xây dựng tại đây.

Ngoài việc yêu cầu dừng thi công, UBND TP Đà Lạt đề nghị CTCP Khải Vy liên hệ cơ quan chức năng lập hồ sơ điều chỉnh giấy phép xây dựng quy định, trường hợp không được cơ quan chức năng cấp giấy phép điều chỉnh thì phải tháo dỡ những hạng mục không phù hợp.

Phòng quản lý đô thị thành phố và UBND phường 10 tổ chức kiểm tra, phát hiện chủ đầu tư khách sạn Merperle Dalat Hotel vi phạm trật tự xây dựng và xây sai thiết kế so với giấy phép được cấp.

Cụ thể, theo giấy phép xây dựng, tầng hầm 2 được cấp diện tích sàn 5.806 m2 nhưng thực tế thi công 7.092 m2 (vượt phép 1.286 m2); tầng hầm 1 được cấp phép diện tích sàn 5.777 m2 nhưng xây dựng thực tế 7.092 m2 (vượt phép 1.315 m2).

Cùng với đó, tầng 1 được cấp phép diện tích sàn 3.612 m2 nhưng xây dựng thực tế 4.567 m2 (vượt phép 955 m2); đang thi công coppha sàn mái diện tích 900 m2 nhưng không có trong nội dung giấy phép xây dựng.

tiet-lo-khoan-no-nghin-ty-cua-chu-khach-san-5-sao-lon-nhat-da-lat-xay-vuot-phep-gan-4-500-m2-1697257711.jpg
Khách sạn Merperle Dalat Hotel xây vượt phép tổng số hơn 4.500m2. Ảnh: TTXVN

Chính quyền TP Đà Lạt giao UBND phường 10 cùng Phòng quản lý đô thị TP giám sát, yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện việc đình chỉ thi công khách sạn và chấp hành biện pháp xử lý vi phạm. Trong đó, UBND phường 10 giám sát, không được để chủ đầu tư xây công trình, hạng mục công trình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Được biết, trước đó, ngày 18/8, Khải Vy đã có văn bản xin điều chỉnh thiết kế dự án Merperle Dalat Hotel. Đến ngày 22/9, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã ký văn bản thống nhất chủ trương điều chỉnh thiết kế công trình dự án Merperle Dalat Hotel.

Dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel đang là công trình khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao lớn nhất và cao nhất tại TP Đà Lạt. Dự án có kinh phí đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Dự án Merperle Dalat Hotel trước đây có tên là Khách sạn Sài Gòn Mới. Năm 2009, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng thương mại Sài Gòn, mục tiêu dự án là xây dựng một khách sạn khi hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao.

Đến tháng 10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý chủ trương điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Vy thực hiện dự án và đổi tên thành Merperle Dalat Hotel.

Tháng 5/2020, UBND TP Đà Lạt ra quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với chủ đầu tư dự án này vì thi công không có giấy phép 29 đoạn dầm móng với kích thước từ 4 m đến 12 m, chiều dài trung bình từ 8 m đến 9 m, cao 0,5 m, rộng 0,3 m. Tổng diện tích vi phạm hơn 741 m2. Chủ đầu tư cũng bị xử phạt 40 triệu đồng vì vi phạm này.

Theo tìm hiểu, CTCP Khải Vy được thành lập vào năm 2000 với tiền thân là là Nhà máy Chế biến gỗ Duyên Hải. Ban đầu, số vốn điều lệ là 80 tỷ đồng, 3 cá nhân cổ đông sáng lập công ty là ông Đoàn Văn Trang cùng vợ là bà Mai Thị Mai và ông Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 1960), trong đó ông Trang nắm phần lớn cổ phần, với 98,5% vốn điều lệ công ty.

Khải Vy ban đầu là một doanh nghiệp sản xuất gỗ sau đó lấn sân sang lĩnh vực địa ốc bằng việc thành lập Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang, chủ dự án khu nghỉ dưỡng Hòn Tằm có quy mô 114ha ở Nha Trang và được đầu tư 42 triệu USD, với 49 bungalow và 15 căn villa. Khải Vy cũng đầu tư mạnh vào việc trồng rừng ở Đắk Nông với quy mô trên 3.000 ha.

Tháng 10/2015, Tập đoàn Khải Vy khánh thành dự án tòa nhà khách sạn, Trung Tâm Hội Nghị Tiệc Cưới MerPerle Crystal Palace tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP. HCM).

Năm 2017, tập đoàn này được chấp thuận đầu tư dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (tại phường Phú Thuận, Quận 7, TP. HCM). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 8.231 tỷ đồng, phát triển trên diện tích 77.354,8 m2, chia làm 2 khu thấp tầng với 120 nền biệt thự, nhà liền kề và 8 khối căn hộ cao tầng.

Đến nay, ông Đoàn Văn Trang đã rút lui khỏi doanh nghiệp Khải Vy. Người thay thế ông Trang giữ chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Khải Vy sau này là ông Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 1960). Hiện nay, ông Bảo đang là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Khải Vy. Sau nhiều lần tăng giảm, vốn điều lệ hiện tại của công ty là 176 tỷ đồng.

Đáng nói, CTCP Khải Vy từng nhiều lần bị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Phú Tài (BIDV Phú Tài) đấu giá khoản nợ. Theo thống kê, đến tháng 11/2021, BIDV Phú Tài đã 9 lần thông báo đấu giá khoản nợ của Khải Vy. Tổng dư nợ tính đến ngày 07/06/2021 là 1.035 tỷ đồng , trong đó dư nợ gốc là 409 tỷ đồng, dư nợ lãi là 626 tỷ đồng.

Khải Vy đã dùng 9 tài sản để bảo đảm cho khoản vay nói trên, bao gồm nhiều bất động sản và máy móc thiết bị của Tập đoàn Khải Vy, gồm: quyền sử dụng đất và công trình trên đất (tòa nhà Crytal Palace tại quận 7, TP. HCM); 367ha rừng trồng tại lâm trường Đắk Hà, tỉnh Đắk Nông; 6 ô tô các loại; hơn 8,7 triệu cổ phần tại Công ty Hòn Tằm biển Nha Trang; Các khoản phải thu trị giá 51 tỷ tại Công ty Hòn Tằm biển Nha Trang; Máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ của Tập đoàn Khải Vy; Công trình trên đất, máy móc thiết bị sản xuất gỗ của Công ty Thương mại sản xuất Duyên hải tại TP. Quy Nhơn; Công trình xây dựng trên đất, máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ của Công ty Thương mại sản xuất Khải Vy Quy Nhơn tại TP. Quy Nhơn và Máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Khải Vy.

Hà Ly (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/tiet-lo-khoan-no-nghin-ty-cua-chu-khach-san-5-sao-lon-nhat-da-lat-xay-vuot-phep-gan-4500-m2-2054771.htm