Tiết lộ về doanh nghiệp 4 'tháng tuổi' mua lại khách sạn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức

Đơn vị mua lại khách sạn Hoàng Anh Gia Lai là một công ty mới thành lập được 4 tháng có tên Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai. Cuối tháng 9 vừa qua, hợp đồng chuyển nhượng khách sạn đã được Hoàn Sinh Gia Lai đem thế chấp ngân hàng.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) vừa công bố thương vụ bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai cho một đối tác, ghi nhận doanh thu từ thanh lý tài sản 180 tỷ đồng, trong tháng 9. Theo đó, đơn vị mua lại khách sạn Hoàng Anh Gia Lai là Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai. 

Khách sạn HAGL hoạt động từ tháng 12/2005, gồm 117 phòng ngủ, là công trình đạt tiêu chuẩn 4 sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên. Theo công bố của HAGL, việc bán khách sạn này là nhằm trả nợ lô trái phiếu mã HAGLBOND16.26 được phát hành năm 2016 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). 

Theo đó, HAGL còn dư nợ trái phiếu tại BIDV là 5.271 tỷ đồng, không đổi so với đầu năm. Tại ngày 30/6, HAGL chưa thanh toán lãi vay phải trả cho kỳ đến hạn thanh toán với tổng giá trị hơn 2,6 tỷ đồng.

Về phía nhận chuyển nhượng khách sạn, Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai mới được thành lập khoảng 4 tháng (ngày 20/6/2023), có trụ sở chính lại Đường 3/2, quận 10, TPHCM.

Doanh nghiệp có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do 2 cổ đông sáng lập là ông Đỗ Xuân Đức (địa chỉ TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) và bà Nguyễn Thị Huyền (địa chỉ TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Trong đó, ông Đức sở hữu 49% vốn còn bà Huyền nắm 51% vốn. Hiện ông Đức là người đại diện pháp luật và giữ chức Giám đốc công ty.

Theo dữ liệu từ Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), ngày 28/09 vừa qua, Hoàn Sinh Gia Lai phát sinh khoản vay 158 tỷ đồng tại Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - chi nhánh Sài Gòn. Thông tin tài sản bảo đảm khoản vay này cho biết, HAG và Công ty TNHH Đầu Tư Hoàn Sinh Gia Lai đã ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản vào ngày 26/09/2023 với số hiệu hợp đồng 01/2023/HĐCNTS/HAGL-HSGL. Trị giá tài sản bảo đảm là 198 tỷ đồng; bao gồm toàn bộ hiện trạng các vật dụng, tài sản, trang thiết bị được sử dụng, lắp đặt bên trong và/hoặc đang gắn liền với khách sạn Hoàng Anh Gia Lai; hoa lợi; lợi tức, khoản phải thu, khoản phí thu được; các lợi ích khác thu được từ Hợp đồng kinh tế nêu trên cũng thuộc tài sản bảo đảm.

tiet-lo-ve-doanh-nghiep-4-thang-tuoi-mua-lai-khach-san-hoang-anh-gia-lai-cua-bau-duc-2-1697770689.PNG
Nguồn: Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp)

Về phía cổ đông sáng lập ông Đỗ Xuân Đức, ngoài đứng tên tại Hoàn Sinh Gia Lai, ông này hiện còn đứng tên đại diện ba doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Đầu tư Hoàn Sinh và Công ty cổ phần Làng quê Việt (thành lập năm 2022, đã ngừng hoạt động). Còn Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Quảng Nam chuyên về xử lý nước thải, cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường cũng tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huyền là trái chủ của những lô trái phiếu trị giá hàng trăm tỷ đồng như: lô trái phiếu KD158_151119 phát hành tháng 11/2019, trị giá 157,2 tỷ đồng, lô KD200_241219 phát hành tháng 12/2019, trị giá 98,8 tỷ đồng.

tiet-lo-ve-doanh-nghiep-4-thang-tuoi-mua-lai-khach-san-hoang-anh-gia-lai-cua-bau-duc-1697770711.PNG
Nguồn: Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp)

Các lô trái phiếu này đều do Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông phát hành và đáo hạn vào cuối năm 2022. 

Hà Ly

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/tiet-lo-ve-doanh-nghiep-4-thang-tuoi-mua-lai-khach-san-hoang-anh-gia-lai-cua-bau-duc-2054889.htm