Tin vui cho giới startup: 'Mùa đông' của vốn đầu tư mạo hiểm có thể chấm dứt vào năm 2024

Các startup công nghệ muốn nhận được tiền đầu tư phải vạch ra con đường có lợi nhuận "rõ ràng" và "khả thi".

Các công ty đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) tại Đông Nam Á dự kiến năm 2024 sẽ chứng kiến sự tăng cường vốn đầu tư. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng, để nhận được vốn, các công ty công nghệ cần phải chứng minh được con đường đến lợi nhuận "rõ ràng" và "khả thi".

Theo một báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, những thách thức toàn cầu như lạm phát và chi phí vốn cao đã khiến lượng vốn đầu tư vào các startup xuống mức thấp nhất trong sáu năm.

Theo KPMG, lượng vốn rót từ các quỹ đầu tư mạo hiểm tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm xuống 20,3 tỷ USD trong quý III năm 2023, mức thấp nhất kể từ quý I năm 2017. Trong quý II, quỹ VC tại khu vực này đạt 24,2 tỷ USD.

Trên toàn cầu, cả 2 tiêu chí về đầu tư và số lượng giao dịch đều đã đạt mức thấp nhất trong nhiều năm. Theo KPMG, quỹ VC toàn cầu trong quý III đạt mức thấp nhất kể từ quý III năm 2016, trong khi số lượng giao dịch ở mức thấp nhất kể từ quý II năm 2019.

Peng T. Ong, đồng sáng lập và đối tác quản lý tại Monk's Hill Ventures cho biết: "Tôi tin rằng vào năm sau, bạn sẽ thấy sự nới lỏng trong việc triển khai vốn đầu tư mạo hiểm tại Đông Nam Á".

Jussi Salovaara, đồng sáng lập và đối tác quản lý khu vực châu Á tại Antler kỳ vọng rằng quỹ VC sẽ cải thiện trong 6 tháng cuối của năm 2024.

"Chúng tôi tin rằng lượng vốn rót ra sẽ tăng, đặc biệt là vào giữa năm. Chắc chắn có một cú sốc do việc lãi suất tăng, sụt giảm trong quỹ đầu tư mạo hiểm, dẫn đến sự sụt giảm do các đối tác hạn chế và các quỹ trở nên kỹ tính hơn. Vì vậy, thị trường sẽ mất một khoảng thời gian để hồi phục", ông Salovaara nói.

Con đường đến lợi nhuận

Những nhà đầu tư mạo hiểm mà CNBC phỏng vấn cách đây một năm cho biết họ dự tính rằng quỹ sẽ chọn lọc hơn trong năm 2023 so với năm 2022.

"Hầu hết các nhà đầu tư mạo hiểm đều sẽ chọn lọc hơn", Salovaara của Antler nói. "Nhưng chúng tôi không phải như vậy", ông nói thêm rằng Antler vẫn đang triển khai vốn.

Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cũng cho biết "dry powder" (đề cập đến lượng tiền mặt dự trữ được giữ bởi một công ty, công ty đầu tư mạo hiểm hoặc cá nhân để trang trải các nghĩa vụ trong tương lai, mua hoặc mua lại tài sản) tăng lên 15,7 tỷ USD vào cuối năm 2022, so với 12,4 tỷ USD vào năm 2021, khi các nhà đầu tư trở nên ngày càng thận trọng về các lựa chọn đầu tư.

Điều này cho thấy rằng có nhiên liệu có sẵn để thúc đẩy nền kinh tế số của Đông Nam Á tiến sang giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Tuy nhiên, để thu hút nguồn vốn trong bối cảnh kinh tế hiện tại, các công ty công nghệ cần chứng minh với các nhà đầu tư rằng họ có con đường đến lợi nhuận là "rõ ràng" và "khả thi", báo cáo nói thêm.

"Nếu năm 2023 là năm chuyển đổi, thì năm 2024 sẽ là năm vượt qua giai đoạn khó khăn" Yinglan Tan, đối tác quản lý sáng lập của Insignia Ventures Partners nói.

"Và đó sẽ là một năm khó khăn, với áp lực từ địa chính trị, lãi suất, thị trường công, viễn cảnh đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng đến việc thực hiện lợi nhuận và phân phối vốn cho các công ty công nghệ".

Các công ty công nghệ thường ưu tiên sự tăng trưởng hơn lợi nhuận trong những năm đầu, điều này thường đồng nghĩa với việc tiêu nhiều tiền. Nhưng với những sóng gió kinh tế toàn cầu làm giảm tốc độ tăng trưởng, họ đã bị buộc phải tập trung lại vào lợi nhuận và trở nên thận trọng hơn với chi phí.

"Cơ hội ở đây là tìm ra các doanh nhân và công ty... đang tối ưu hóa những điều mà họ có thể kiểm soát, ví dụ như chi phí hoặc chiến lược tăng trưởng, để chống lại áp lực và trở nên hiệu quả về vốn trong quá trình tăng trưởng", Tan nói thêm.

Theo: CNBC

Phương Linh

Phương Linh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/tin-vui-cho-gioi-startup-mua-dong-cua-von-dau-tu-mao-hiem-co-the-cham-dut-vao-nam-2024-2057112.htm