27/06/2024 08:52
27/06/2024 08:52
Tỉnh biên giới có sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam sẽ xây thêm hàng loạt sân bay chuyên dùng, taxi, thuỷ phi cơ
Cùng với việc định hướng phát triển, nâng cấp Cảng hàng không Vân Đồn; tỉnh Quảng Ninh còn quy hoạch thêm nhiều sân bay khác ở đảo Cô Tô, Móng Cái, Hạ Long để thúc đẩy phát triển du lịch
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh này đã quy hoạch thêm nhiều sân bay khác để thúc đẩy phát triển du lịch, cứu hộ, cứu nạn.
Hiện Quảng Ninh có Cảng hàng không Vân Đồn. Đây được biết đến là sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào khai thác đầu năm 2019, với tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng theo hình thức PPP (PPP là hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư).
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được thiết kế ở cấp 4E, sân bay quân sự cấp II, có diện tích khoảng 326 ha (3,26 km2). Công suất thông qua cảng hàng không đạt khoảng 2,5 triệu khách/năm và 2.000 tấn hàng hóa/năm.
Cảng hàng không Vân Đồn giai đoạn đến năm 2030 được định hướng sẽ xây dựng, nâng cấp thêm nhiều hạng mục để nâng công suất lên 5 triệu khách trên năm và trở thành sân bay xanh. Đồng thời, tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục xây dựng, nâng cấp để nâng công suất lên 12 triệu khách/năm, quỹ đất của cảng hàng không khoảng 470 ha (4,7 km2).
Quảng Ninh hiện cũng đang có sân bay dành cho Thủy Phi Cơ nằm tại đảo Tuần Châu (thành phố Hạ Long). Thủy phi cơ được sử dụng chủ yếu để ngắm Vịnh Hạ Long từ trên cao.
Để có thể cất hạ cánh trên mặt nước và vận hành an toàn tại Vịnh Hạ Long, thuỷ phi cơ được gắn 2 phao bên dưới máy bay và bên trong máy bay là hệ thống radar thời tiết, hệ thống theo dõi bão, hệ thống GPS… Mỗi chuyến bay ngắm cảnh của thuỷ phi cơ Hạ Long có thể chở tối đa 12 khách. Ảnh: Thuỷ phi cơ Hạ Long.
Một sân bay khác tại Quảng Ninh, nhưng ít được biết đến sân bay Hồng Kỳ nằm tại phường Ninh Dương, thành phố Móng Cái. Trong quy hoạch, sân bay Hồng Kỳ sẽ được nâng cấp, cải tạo và mở rộng.
Sau khi được hoàn thiện sân bay Hồng Kỳ sẽ kết hợp khai thác dân dụng (taxi) và cứu nạn. Tuy nhiên, hiện sân bay Hồng Kỳ vẫn là bãi đất trống chưa được xây dựng như trong ảnh.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh định hướng quy hoạch mới sân bay chuyên dùng Cô Tô giai đoạn 2030 - 2050 trên diện tích 130 ha (1,3 km2), đường băng dài 1,8 km với các hạng mục như sân đỗ, khu vực quân sự, khu vực cảnh quan, hạ tầng kết nối… Vị trí sân bay Cô Tô trong ảnh được vẽ theo sơ đồ định hướng phát triển không gian của tỉnh, độ chính xác mang tính tương đối.
Huyện đảo Cô Tô tọa lạc ở vị trí cửa ngõ tiền tiêu, “phên giậu” vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí trọng yếu về địa - chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đi cùng với đó, những năm gần đây, huyện đảo Cô Tô đã trở thành điểm đến hấp dẫn của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế. Năm 2023, huyện Cô Tô đã đón khoảng 320.000 lượt khách du lịch, gấp 48 lần dân số địa phương với khoảng 6.700 người. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Việc triển khai sân bay tại Cô Tô sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho địa phương và cho tỉnh. Đồng thời góp phần phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, các hoạt động đảm bảo an ninh, quốc phòng cho khu vực tiền tiêu của quốc gia. Trong ảnh là cảng tàu quốc tế Ao Tiên.
Trong quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh cũng đề cập đến việc Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Đông Triều, Uông Bí và tại các khu vực có tiềm năng về du lịch.
Bài và ảnh: Ngọc Đẹp
Bài và ảnh: Ngọc Đẹp
Link nội dung:
https://antt.nguoiduatin.vn/tinh-bien-gioi-co-san-bay-tu-nhan-dau-tien-o-viet-nam-se-xay-them-hang-loat-san-bay-chuyen-dung-taxi-thuy-phi-co-20516874.htm