Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030, ngành dịch vụ chiếm khoảng 41,2%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 12,7%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 42,4% (trong đó công nghiệp chiếm khoảng 12,1%).
Đến năm 2030, GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng theo giá hiện hành, năng suất lao động đạt 190 triệu đồng, phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 5.000 tỷ đồng, khách du lịch đạt trên 2,65 triệu lượt người.
Về xã hội, đến năm 2030 quy mô dân số toàn tỉnh đạt 802.253 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 55%; giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8%,…
Về không gian và kết cấu hạ tầng, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa phấn đấu đạt trên 32% và xây dựng thành phố Điện Biên Phủ trở thành đô thị xanh - sạch- văn minh, hoàn thành tiêu chí đô thị loại II. Tỉnh có 11 đô thị (bao gồm 01 đô thị loại II, 02 đô thị loại IV, 08 đô thị loại V).
Đến năm 2030 hình thành 3 thị trấn mới (thị trấn Mường Nhé, thị trấn Thanh Xương, thị trấn Nậm Pồ) và 1 đô thị mới (đô thị Bản Phủ, huyện Điện Biên). Ngoài ra, tỉnh phấn đấu từng bước hình thành 4 đô thị (đô thị Mường Nhà, đô thị Mường Luân, đô thị A Pa Chải, đô thị Búng Lao).
Đến năm 2050, xây dựng tỉnh Điện Biên là tỉnh phát triển khá của cả nước, là trọng điểm du lịch lịch sử - văn hóa, sinh thái quốc gia, có đẳng cấp quốc tế; người dân có thu nhập cao, chất lượng cuộc sống tốt, hạnh phúc. Các giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là văn hóa dân tộc H'Mông, dân tộc Thái được giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền.
Về mạng lưới giao thông, tỉnh sẽ quy hoạch lại hệ thống đường sá hiện có, đồng thời xây dựng mới thêm hàng loạt tuyến đường. Trong tương lai, Điện Biên sẽ có Đường cao tốc Sơn La - Điện Biên (CT.03) đi qua, đoạn qua tỉnh quy mô 4 làn xe. Đường quốc lộ qua địa bàn tỉnh gồm 07 tuyến QL6, QL4H, QL12, QL279, QL279B, QL279C, QL12D; trong đó định hướng kéo dài tuyến QL279C, quy hoạch bổ sung tuyến QL12D trên cơ sở nâng cấp từ các tuyến đường tỉnh.
Đường tỉnh gồm 26 tuyến, trong đó giữ nguyên chiều dài 14 tuyến đường tỉnh, điều chỉnh chiều dài 6 tuyến đường tỉnh, chuyển 2 tuyến đường tỉnh (ĐT145, ĐT.150) thành QL12D và quy hoạch bổ sung thêm 6 tuyến đường tỉnh mới.
Ngoài ra, tỉnh sẽ đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đạt quy mô cấp 3C theo quy hoạch; cải tạo nhà ga hiện hữu cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ. Về đường thủy, đầu tư cụm cảng Điện Biên với cỡ tàu 400 tấn, công suất 1.000T/năm gồm Cảng vùng hồ Lai Châu với công suất 700T/năm và cảng khác công suất 300T/năm.
Nhật Minh