Trong năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 223,81 triệu USD, gấp 2,1 lần về số dự án và 2,86 lần số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022. Thanh Hóa cũng đã điều chỉnh vốn cho 8 dự án FDI với số vốn tăng thêm là 63,64 triệu USD. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, vốn góp 11,35 triệu USD, gấp 21 lần so với cùng kỳ.
Tổng vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 ước đạt 453,5 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ.
Lũy kế đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 157 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,616 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước. Trong số đó, phần lớn tới từ một số dự án trọng điểm, đã được đầu tư từ nhiều năm trước như Xi măng Nghi Sơn vốn 650 triệu USD từ năm 1997, Lọc Hóa dầu Nghi Sơn hơn 9,3 tỷ USD từ năm 2008, hay mới đây như Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn với số vốn 2,8 tỷ USD cũng đã từ trước năm 2018.
Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện cơ bản bảo đảm tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cam kết của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực may mặc, giầy da bị cắt giảm đơn hàng do ảnh hưởng bởi suy thoái của các thị trường xuất khẩu trên thế giới và so với cùng kỳ năm 2022, giá trị xuất khẩu các doanh nghiệp khu vực FDI giảm 2,85%, giá trị nhập khẩu giảm 8,18%, nộp ngân sách giảm 11%.
Ngoài ra, do thay đổi kế hoạch đầu tư, sản xuất nên trong năm có 4 nhà đầu tư đã tự chấm dứt hoạt động dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 22,9 triệu USD.
Trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng sẽ thu hút được trên 20 dự án FDI mới với vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,5 tỷ USD. Trong đó có một số dự án quy mô lớn, như: Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn (vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD), dự án Khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa (300 triệu USD); giá trị giải ngân vốn của các dự án FDI đạt khoảng 460 triệu USD.
Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt, ngoài 8 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch, tỉnh Thanh Hóa quy hoạch thêm 9 khu công nghiệp (KCN) mới, với quy mô hơn 2.280 ha.
Cụ thể, đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện 8 KCN đã có trong quy hoạch với tổng diện tích 1.424 ha, gồm KCN Lễ Môn (TP Thành Hóa, diện tích dự kiến năm 2030 là hơn 76 ha); KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga (TP Thanh Hóa, diện tích dự kiến năm 2030 là gần 165 ha, sau 2030 là 180 ha); KCN Bỉm Sơn (TX Bỉm Sơn, diện tích dự kiến năm 2030 là hơn 412 ha, sau 2030 là 525 ha).
KCN - đô thị Hoàng Long (TP Thanh Hóa, diện tích dự kiến năm 2030 là 43 ha); KCN Lam Sơn - Sao Vàng (huyện Triệu Sơn, diện tích dự kiến năm 2030 là 537 ha, sau 2030 là hơn 654 ha); KCN Thạch Quảng (huyện Thạch Thành, diện tích dự kiến năm 2030 là 5,64 ha, sau 2030 là 120 ha); KCN Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc, diện tích dự kiến năm 2030 là 85 ha, sau 2030 là 150); KCN Bãi Trành (huyện Như Xuân, diện tích dự kiến đến 2030 là 100 ha, sau 2030 là 146 ha).
Bên cạnh 8 KCN đã có trong quy hoạch, theo quy hoạch, đến năm 2030, các KCN khác nằm trong KKT Nghi Sơn có tổng diện tích khoảng 2.339 ha.
9 KCN được bổ sung mới đến năm 2030, diện tích khoảng 2.281 ha gồm KCN phía Tây TP Thanh Hóa (diện tích dự kiến đến 2030 gần 536 ha, sau năm 2030 là 650 ha); KCN Phú Quý (huyện Hoằng Hóa, diện tích dự kiến đến 2030 là 545 ha, sau năm 2030 là 845 ha); KCN Bắc Hoằng Hóa (huyện Hoằng Hóa, diện tích dự kiến đến 2030 là 157 ha, sau 2030 là 274 ha).
KCN Hà Long (huyện Hà Trung, diện tích dự kiến năm 2030 gần 94 ha, sau 2030 là 550 ha); KCN Lưu Bình (huyện Quảng Xương, diện tích dự kiến năm 2030 là 200 ha, sau 2030 là 470 ha); KCN Tượng Lĩnh (huyện Nông Cống, diện tích dự kiến năm 2030 là 200 ha, sau 2030 là 350 ha).
KCN Giang Quang Thịnh (huyện Thiệu Hóa, diện tích dự kiến năm 2030 là 300 ha); KCN Nga Tân (huyện Nga Tân, diện tích dự kiến năm 2030 là 150 ha, sau 2030 là 430 ha); KCN Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, diện tích dự kiến năm 2030 là 100 ha, sau 2030 là 250 ha).
Bên cạnh đó, sau năm 2030, tỉnh này bổ sung mới thêm hai khu công nghiệp với diện tích 872 ha, gồm KCN Phong Ninh (huyện Yên Định, 450 ha) và KCN Hà Lĩnh (huyện Hà Trung, 422 ha).
Về cụm công nghiệp, đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.267 ha. Giai đoạn sau năm 2030, tăng thêm 11 CCN, nâng tổng số CCN trên địa bàn tỉnh thành 126 CCN với tổng diện tích 5.893,6 ha.
11 CCN được thành lập mới này bao gồm CCN Quảng Văn (huyện Quảng Xương, 60 ha); CCN Thành Minh (huyện Thạch Thành, 70 ha); CCN Thành Tân (huyện Thạch Thành, 50 ha); CCN Thạch Sơn (huyện Thạch Thành, 50 ha); CCN Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành, 50 ha); CCN Thạch Quảng (huyện Thạch Thành, 70 ha).
CCN Xuân Cao I (huyện Thường Xuân, 41,4 ha); CCN Hợp Thắng II (huyện Triệu Sơn, 70 ha); CCN Hợp Thắng III (huyện Triệu Sơn, 70 ha); CCN Hợp Lý (huyện Triệu Sơn, 25 ha) ; CCN Thọ Ngọc II (huyện Triệu Sơn, 70 ha).
Nhã Mi
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/tinh-mien-trung-dung-thu-8-ve-thu-hut-fdi-du-kien-don-hon-3-ty-usd-nam-nay-2059800.htm