Tỉnh ven biển miền Trung có gì đặc biệt mà được Hòa Phát và "đại gia" Malaysia đề xuất đầu tư các dự án hơn 240.000 tỷ đồng?

Tỉnh ven biển Nam Trung Bộ đang được Tập đoàn Hòa Phát và doanh nghiệp đến từ Malaysia đề xuất đầu tư các dự án tại khu kinh tế với tổng quy mô hơn 240.000 tỷ đồng.

Tỉnh ven biển miền Trung có gì đặc biệt mà được Hòa Phát và một tập đoàn Malaysia đề xuất đầu tư các dự án hơn 240.000 tỷ đồng? - Ảnh 1.

Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, phía đông dãy Trường Sơn với 70% diện tích là đồi núi. Từ một địa phương có xuất phát điểm thấp về kinh tế so với các tỉnh trong khu vực, Phú Yên có sự phát triển vượt bậc, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh trong tương lai.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, Phú Yên hiện có hai nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất đầu tư một số dự án lớn trong Khu công nghiệp Hòa Tâm và cảng Bãi Gốc, thuộc Khu Kinh tế Nam Phú Yên, đó là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn PETMAL Oil Holdings (Malaysia).

Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư 4 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 120.000 tỷ đồng (4,96 tỷ USD) gồm: Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm, dự án Cảng Bãi Gốc, dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, dự án Khu thương mại - dịch vụ để phục vụ cho khu công nghiệp này).

Tập đoàn PETMAL Oil Holdings đề xuất đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu với quy mô 5 tỷ USD (khoảng 120.900 tỷ đồng), công suất dự án 8 triệu tấn dầu thô/năm.

Phú Yên hiện có 1 Khu kinh tế Nam Phú Yên và 5 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút được 118 dự án; tổng diện tích đất đăng ký là 377ha, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 9.000 tỷ đồng và hơn 38 triệu USD. Riêng 9 tháng đầu năm, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đăng ký 2.464,35 tỷ đồng và điều chỉnh chủ trương đầu tư 40 dự án ngoài ngân sách.

Tốc độ tăng trưởng GRDP đứng thứ hai toàn miền Trung

Ngoài những tín hiệu đáng mừng về thu hút đầu tư, thời gian gần đây, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Phú Yên cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP nằm trong tốp đầu tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể, GRDP quý III của tỉnh tăng 11,42% và 9 tháng tăng 8,87%; đứng vị thứ 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đứng thứ 2/14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Phú Yên phấn đấu tăng trưởng GRDP cả năm đạt khoảng 8%.

Riêng khu vực công nghiệp tiếp tục có bước tăng trưởng với điểm nhấn là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng 50,96% của khu vực công nghiệp), tăng 16,1%.

Tỉnh ven biển miền Trung có gì đặc biệt mà được Hòa Phát và một tập đoàn Malaysia đề xuất đầu tư các dự án hơn 240.000 tỷ đồng? - Ảnh 2.

Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên. (Ảnh: VnEconomy).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm khoảng 2.568,2 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán trung ương giao, 32,1% dự toán tỉnh giao, bằng 65,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 188,6 triệu USD, đạt 78,6% kế hoạch năm 2023.

Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt 31% kế hoạch vốn trung ương giao, kế hoạch vốn do địa phương giao đạt 24,6%. Trong thời gian còn lại của năm, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã giao cho các đơn vị.

Về phát triển du lịch, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên ước đạt 2,5 triệu lượt, tăng 57% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 14.790 lượt, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 3.741 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ.

Về giao thông, hiện tại tỉnh đang tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và khởi công dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa phận Phú Yên. Đây là dự án trọng điểm quốc gia với quy mô lớn, góp phần vào tăng trưởng của ngành xây dựng trong tỉnh.

Ngoài dự án này, hiện tại Phú Yên có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam chạy qua, quốc lộ 25 nối tỉnh Gia Lai, quốc lộ 29 nối tỉnh Đắk Lắk, phía Nam có cảng biển Vũng Rô, sân bay Tuy Hòa. Các tuyến giao thông Bắc Nam, Đông Tây, cảng biển, sân bay, hầm đường bộ Đèo Cả,… có tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho hợp tác, trao đổi kinh tế, văn hóa giữa Phú Yên với các tỉnh thành trong vùng, cả nước và quốc tế. Ngoài ra, UBND tỉnh cho biết, với vị trí nằm trong vùng ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Phú Yên là nơi có điều kiện thuận lợi nhất trong việc xây dựng tuyến đường sắt lên Tây Nguyên.

Trong thời gian tới, tỉnh này cho biết sẽ xây dựng và hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Tuy Hòa; hoàn thiện điều chỉnh một số đồ án quy hoạch, trong đó việc đưa Thành phố Tuy Hòa lên đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh; thị xã Sông Cầu lên thành phố trực thuộc tỉnh; huyện Tuy An lên thị xã vào năm 2025.

Nhật Minh

Nhật Minh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/tinh-ven-bien-mien-trung-co-gi-dac-biet-ma-duoc-hoa-phat-va-dai-gia-malaysia-de-xuat-dau-tu-cac-du-an-hon-240000-ty-dong-2055897.htm