TKV chưa hoàn thành công tác kiểm toán theo kiến nghị của KTNN

Tại chương trình Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán.

Tại Báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội trước thềm phiên chất vấn về nhóm vấn đề thứ ba trong lĩnh vực kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực. 

Theo thống kê vẫn còn hơn 67.500 tỷ đồng (thời điểm 31/3/2023 đã báo cáo Ủy ban Tài chính Ngân sách là 108.180,2 tỷ đồng) liên quan đến kết luận kiểm toán chưa được thực hiện. Trong đó nguyên nhân từ đơn vị được kiểm toán chiếm 59,46%, nguyên nhân thuộc bên thứ 3 là 24%, nguyên nhân khác chiếm 16% và nhóm nguyên nhân của kiểm toán chiếm 0,4%.

Đáng chú ý, theo danh sách các tổ chức, cá nhân chưa hoàn thàn việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN tính đến ngày 31/12/2023 mà KTNN công bố, tổng số Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin, TKV) chưa thực hiện là gần 174 tỷ đồng, toàn bộ là số chưa thực hiện của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam CN VI.

tkv-chua-hoan-thanh-cong-tac-kiem-toan-theo-kien-nghi-cua-ktnn-antt-1718079630.png
Nguồn: KTNN

Theo danh sách này, số chưa thực hiện năm kiểm toán 2020 trở về trước (niên độ NSNN 2019 trở về trước) là gần 174 tỷ đồng. 

Tại năm kiểm toán 2019 (niên độ NSNN 2018), số chưa thực hiện tại Báo cáo kiểm toán Hoạt động đầu tư xây dựng các dự án nhóm B giai đoạn 2015 - 2018 của TKV là gần 49 tỷ đồng. Trong đó, số chưa thực hiện của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Ban QLDA NMTT Khe Chàm-Vinacomin) gần 47 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Đồng Tả Phời-Vinacomin gần 2 tỷ đồng. 

Tại năm kiểm toán 2017 (niên độ NSNN 2016), số chưa thực hiện tại Báo cáo kiểm toán Hoạt động quản lý đầu tư xây dựng và hiệu quả đầu tư dự án của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là 125 tỷ đồng, toàn bộ là của Công ty mẹ TKV tại Dự án Tổ hợp bouxit - nhôm Lâm.

Trước đó, thực hiện Quyết định số 1172/QĐ-KTNN ngày 29/8/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Đoàn KTNN thuộc KTNN chuyên ngành VI đã thực hiện kiểm toán tại TKV từ ngày 07/9/2022 đến 31/10/2022. 

Kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác lập, phê duyệt kế hoạch mua sắm; lập, phê duyệt thiết kế và dự toán; lập hồ sơ mời thầu; lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp; ký kết và thực hiện hợp đồng; quản lý chất lượng, tiến độ, nghiệm thu thanh toán trong quản lý đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hóa, sửa chữa tài sản cố định (TSCĐ), thuê ngoài cung cấp dịch vụ,..

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử KTNN, đối với nội dung quản lý nợ phải thu, phải trả, kết quả kiểm toán cho thấy còn tình trạng quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ để phát sinh nợ đọng, nợ phải thu khó đòi phải trích lập dự phòng tại 31/12/2021 theo báo cáo của TKV, tổng giá trị nợ phải thu khó đòi tại ngày 31/12/2021 của TKV là 279.157 triệu đồng, trích dự phòng nợ phải thu 238.278 triệu đồng; đối chiếu nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ.

Vẫn còn trường hợp cho khách hàng nợ tiền hàng không đúng quy định theo hợp đồng, dư nợ vượt bảo lãnh thanh toán; chậm hoàn ứng theo quy định của đơn vị. Một số hợp đồng bán than tại Chi nhánh Công ty Kinh doanh than Hải Phòng của Công ty Cổ phần Kinh doanh than miền Bắc - Vinacomin chưa quy định hình thức bảo đảm thực hiện hợp đồng, chưa quy định điều khoản thưởng phạt. Ngoài ra, còn trường hợp có hệ số thanh toán nợ ngắn hạn chưa đảm bảo...

Trong quản lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn, cuộc kiểm toán cũng chỉ ra, công ty mẹ TKV còn một số khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả như: Đầu tư vào Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa, Công ty liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam, Công ty TNHH Vinacomin Lào, Công ty CP sắt Thạch Khê...

Bạch Hiền

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/tkv-chua-hoan-thanh-cong-tac-kiem-toan-theo-kien-nghi-cua-ktnn-20516013.htm