Tổ chức liên quan đến Thành viên HĐQT Biwase đã thoái sạch vốn tại BWE

CTCP Thương mại N.T.P vừa bán toàn bộ hơn 1,9 triệu cổ phiếu BWE. Ở chiều ngược lại, bà Trần Tuyết Lan vừa mua vào thành công 400.000 cổ phiếu BWE để sở hữu 0,2% vốn.

to-chuc-lien-quan-den-thanh-vien-hdqt-biwase-da-thoai-sach-von-tai-bwe-antt-1692620566.jpg
Trụ sở CTCP Nước – Môi trường Bình Dương.

Bà Trần Tuyết Lan, vợ ông Trần Chiến Công- Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase, MCK: BWE) vừa mua vào thành công 400.000 cổ phiếu BWE theo phương thức thoả thuận/khớp lệnh trong khoảng thời gian từ ngày 17/7-17/8.

Trước đó, bà Lan không nắm giữ cổ phiếu BWE nào. Sau giao dịch, bà Lan sở hữu 400.000 cổ phiếu BWE, tương đương 0,2% vốn.

Tạm tính theo giá kết thúc phiên ngày 17/8, cổ phiếu BWE đang dừng ở mức 46.300 đồng/cổ phiếu, ước tính bà Lan đã chi khoảng 18,5 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ trên.

Ở chiều ngược lại, CTCP Thương mại N.T.P vừa bán toàn bộ hơn 1,9 triệu cổ phiếu BWE, tương đương 1% vốn, nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh trong khoảng thời gian từ ngày 21/7 đến ngày 18/8/2023.

Được biết, Thương mại N.T.P là tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Thanh Phong – thành viên HĐQT Biwase và ông Phong không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu BWE nào.

Tạm tính theo giá kết thúc phiên ngày 18/8, cổ phiếu BWE đang dừng ở mức 45.900 đồng/ cổ phiếu, ước tính Thương mại N.T.P có thể đã thu về hơn 88 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn trên.

BWE tiền thân là Trung tâm cấp thủy Bình Dương, được thành lập năm 1975 và sau đó cổ phần hóa vào năm 2016, tới năm 2023 chính thức đổi tên thành Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương - CTCP.

Sau cổ phần hóa, việc chuyển sang mô hình CTCP đã giúp Biwase nhanh chóng phát huy được thế mạnh sẵn có và không ngừng lớn mạnh, vươn ra các địa phương khác như Long An, Cần Thơ, Quảng Bình...

Đến nay, Biwase đã sở hữu các nhà máy nước công suất lên tới 700.000 m3/ngày đêm; chi nhánh xử lý rác với công suất 3.000 tấn/ngày; hệ thống xử lý nước thải với công suất 5 nhà máy là 85.500 m3/ngày đêm.

Tính từ ngày 31/12/2015 đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Biwase đã tăng hơn 40% lên 10.001,7 tỷ đồng, kết quả kinh doanh duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn hàng năm cả về quy mô tài sản lẫn doanh thu và lợi nhuận.

Ngoài ra, Công ty còn sở hữu hàng loạt doanh nghiệp cấp nước ở các địa phương khác trên cả nước như CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ, CTCP Cấp nước Cần Thơ 2, Công ty cổ phần Cấp nước Gia Tân, CTCP Cấp thoát nước Long An, CTCP Cấp nước Quảng Bình, CTCP Cấp nước Vĩnh Long, CCTCP Đầu tư Xây dựng Chánh Phú Hòa…

Bên cạnh mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động, tính từ ngày 31/12/2015 đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Biwase đã tăng hơn 40% lên 10.001,7 tỷ đồng, kết quả kinh doanh duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn hàng năm cả về quy mô tài sản lẫn doanh thu và lợi nhuận.

Trong đó, nếu như trước cổ phần hóa, năm 2015, Biwase ghi nhận doanh thu 1.213 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 171 tỷ đồng thì tới năm 2022, doanh thu đã tăng lên 3.484 tỷ đồng (tăng 187,2%) và lợi nhuận đạt 747 tỷ đồng (tăng 334,5%).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Biwase ghi nhận tổng doanh thu đạt 1.736 tỷ đồng, bằng 93% so với cùng kỳ và hoàn thành 44% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 332 tỷ đồng, bằng 96% so với cùng kỳ và hoàn thành 46% kế hoạch năm. Trong đó, đáng lưu ý, tỷ lệ thất thoát nước tiếp tục ở mức thấp kỷ lục của ngành là 5%.

Được biết, dựa trên kế hoạch mở rộng địa bàn kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải, năm 2023, Biwase đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 3.970 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế tối thiểu đạt 720 tỷ đồng, tăng 5,6%. Trong đó, tỷ lệ thất thoát nước tiếp tục duy trì ở mức dưới 5%, nước thương phẩm tối thiểu 186 triệu m3 và cổ tức dự kiến tối thiểu 13%/năm.

Hà Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/to-chuc-lien-quan-den-thanh-vien-hdqt-biwase-da-thoai-sach-von-tai-bwe-2053595.htm