VietinBank vừa thông báo điều chỉnh biểu lãi suất huy động từ ngày 22/3 với mức giảm 0,1 – 0,2 điểm % tại tất cả kỳ hạn. Trong đó, mức lãi suất huy động cao nhất được VietinBank áp dụng đã giảm về còn 4,8%/năm từ mức 5%/năm trước đó.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 – 2 tháng giảm xuống còn 1,7%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng còn 2%/năm; kỳ hạn 6 – 11 tháng là 3%/năm; kỳ hạn 12 – 23 tháng là 4,7%/năm và các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên được hưởng lãi suất cao nhất là 4,8%/năm.
Trước VietinBank, BIDV và Agribank cũng đã giảm thêm lãi suất huy động trong những ngày gần đây, đưa mức lãi suất tiền gửi cao nhất xuống dưới 5%/năm.
Tại BIDV, lãi suất huy động kỳ hạn 1 – 2 tháng đã giảm từ 1,9%/năm xuống 1,7%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng giảm từ 2,2%/năm xuống 2%/năm; kỳ hạn 6 – 9 tháng giảm từ 3,2%/năm xuống 3%/năm; kỳ hạn 12 – 18 tháng giảm từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm; kỳ hạn 24 – 36 tháng giảm từ 5%/năm xuống 4,8%/năm.
Tại Agribank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,7%/năm xuống 1,6%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng giảm từ 2%/năm xuống 1,9%/năm; các kỳ hạn 6 – 11 tháng có lãi suất được giữ nguyên ở mức 3%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng được Agribank giảm từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,7%/năm.
Hồi đầu tháng 1, Vietcombank cũng đã giảm lãi suất huy động xuống dưới 5%/năm. Hiện, các khoản tiền gửi dưới 1 tháng tại Vietcombank có lãi suất là 0,2%/năm; kỳ hạn 1 - 2 tháng là 1,7%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 2%/năm; kỳ hạn 6 và 9 tháng được hưởng cùng mức lãi suất là 3%/năm; Mức lãi suất ưu đãi nhất đang được Vietcombank áp dụng là 4,7%/năm, dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Như vậy, biểu lãi suất huy động tiền gửi của Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank là khá giống nhau. Đồng thời, không còn ngân hàng nào trong nhóm này còn niêm yết mức lãi suất huy động từ 5% trở lên.
Hiện nhóm 4 ngân hàng quốc doanh nêu trên đang chiếm khoảng 45% thị phần tiền gửi toàn hệ thống. Số liệu mới nhất được công bố cho thấy, tổng huy động vốn của Agribank đến cuối năm 2023 đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, số dư tiền gửi khách hàng đến cuối năm ngoái của BIDV là 1,704 triệu tỷ đồng; VietinBank là 1,411 triệu tỷ đồng và Vietcombank là 1,396 triệu tỷ đồng.
Với việc chiếm gần một nửa thị phần huy động tiền gửi toàn hệ thống, động thái của nhóm Big4 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng tư nhân giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới.
Trong tháng 3, xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất huy động của đa số các ngân hàng vẫn tiếp tục được duy trì, thậm chí một số ngân hàng tư nhân như ACB, Sacombank, VPBank, Techcombank đang duy trì lãi suất ở mức thấp hơn đáng kể so với nhóm ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, một số ngân hàng cổ phần đã bắt đầu tăng lãi suất chủ yếu tại các kỳ hạn ngắn dưới 5 tháng nhằm thu hút thêm tiền gửi sau dịp Tết nguyên đán.
Theo giới chuyên môn, mặc dù lãi suất huy động giảm nhiều nhưng lượng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó, do cầu tín dụng yếu do nhu cầu về sản xuất, tiêu thụ hàng hoá chưa được cải thiện nên hầu hết các ngân hàng chưa mặn mà với việc tăng lãi suất huy động trở lại để hút tiền gửi. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng được dự báo phục hồi trong quý 2 sẽ khiến thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và có khả năng thúc đẩy các ngân hàng tăng lãi suất huy động.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý 1 và khó có khả năng giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024.
"Chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 25 – 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,25% - 5,5% trong năm 2024", MBS cho hay.
Mạnh Đức
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/toan-bo-4-ngan-hang-nhan-nhieu-tien-gui-nhat-he-thong-da-giam-lai-suat-huy-dong-xuong-duoi-5-20511461.htm