Kinh doanh xanh (hay còn gọi là kinh doanh bền vững) là một phương thức kinh doanh tập trung vào việc thực hiện các hoạt động kinh doanh mà không gây hại đến môi trường, xã hội và kinh tế. Điều này bao gồm sử dụng tài nguyên tái tạo, giảm lượng chất thải và khí thải, tạo ra sản phẩm và dịch vụ có tác động tích cực đến môi trường và cộng đồng.
Trên toàn thế giới, nhiều tổ chức và doanh nghiệp đang chuyển đổi sang mô hình kinh doanh xanh để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, cũng như để đảm bảo sự bền vững cho tương lai. Các biện pháp bao gồm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quá trình sản xuất để giảm lượng chất thải, thúc đẩy công nghệ xanh và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có tính chất bền vững cao.
Mới đây, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia để tìm hiểu về tầm nhìn và cam kết của Schneider Electric với việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh xanh và mục tiêu phát triển bền vững. Dưới đây là chi tiết bài phỏng vấn.
Bền vững là trọng tâm trong mọi hoạt động của chúng tôi.
Phát triển bền vững không nên chỉ là chiến lược của một doanh nghiệp mà là của toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp, cùng hướng đến mục tiêu giảm phát thải CO2 trong hoạt động kinh doanh, một thế giới điện hóa bền vững và linh hoạt hơn, một tương lai khí thải bằng 0 (Net Zero).
Schneider Electric tập trung vào việc đạt được các mục tiêu về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) cũng như đạt trung hòa carbon vào năm 2025, gia tăng nỗ lực trong việc chống biến đổi khí hậu và bất bình đẳng xã hội, và thực hiện cam kết tại địa phương. Đối với từng nhóm khách hàng, đối tác, chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu nhất định như:
Đối với Khách hàng
Khử carbon trong các hoạt động và giúp khách hàng giảm phát thải 800 triệu tấn CO2.
Thay thế 100% công nghệ bằng công nghệ không dùng SF6
80% doanh thu đến từ sản phẩm thân thiện với môi trường - Green Premium
Đối với Nhà cung cấp
Giúp 1.000 nhà cung cấp hàng đầu giảm 50% lượng khí thải CO2
Tăng hàm lượng vật liệu xanh trong các sản phẩm của chứng tôi đến 50%
100% bao bì không sử dụng nhựa dùng một lần và sử dụng bìa cứng tái chế
Đạt 15% hiệu suất giảm thải khí carbon trong vận tải
Tránh lãng phí 420K tấn nguyên liệu sơ cấp thông qua chương trình “Thu Hồi” Khi Hết Sử Dụng kể từ năm 2017
Đối với hoạt động/vận hành của tập đoàn
Xây dựng 150 nhà máy/tòa nhà văn phòng khử carbon
90% nguồn điện sử dụng từ năng lượng tái tạo
Tăng 15% hiệu suất sử dụng điện năng
Hơn 1/3 đội xe của tập đoàn là xe điện (tới 2030: 100% sử dụng xe điện)
Xây dựng 200 khu tái chế “Biến chất thải thành tài nguyên”
Với chương trình Tác động Bền vững Schneider (SSI), Schneider Electric đã đạt được nhiều dấu ấn nổi bật trong việc hỗ trợ khách hàng, đối tác đạt mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới Net Zero. Cụ thể:
Các giải pháp về điện hóa, số hóa và tự động hóa của Schneider Electric tiếp tục giúp khách hàng đạt được tiến độ khử carbon, chỉ trong năm 2023 đã giảm 112 triệu tấn lượng khí thải carbon.
Tập đoàn cũng đạt được bước tiến lớn trong việc tác động đến chuỗi cung ứng. Lượng khí thải carbon từ 1.000 nhà cung ứng đã giảm 27% so với năm 2022 (giảm 10%). Đặc biệt, trong số các nhà cung cấp chiến lược này đã có 21% đơn vị đáp ứng được tiêu chuẩn làm việc an toàn của Schneider Electric.
Về phía Schneider Electric, với sự nỗ lực của toàn thể nhân viên, tập đoàn cũng đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó, 63% bao bì sản phẩm của tập đoàn đã được chuyển sang sử dụng bìa cứng tái chế, thay vì nhựa dùng một lần. Đây là một trong những hành động cụ thể thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp về nguồn tài nguyên.
Cam kết dài hạn của Schneider Electric trong việc thu hẹp khoảng cách tiếp cận sử dụng các nguồn năng lượng cũng tiến triển với tốc độ nhanh chóng. Hiện tại, 46,5 triệu người đã được sử dụng nguồn điện sạch và an toàn nhờ các sáng kiến của tập đoàn trên toàn thế giới. Hơn 578.000 người học các kỹ năng mới để đáp ứng nhu cầu và giải quyết vấn đề về năng lượng trong tương lai cho cộng đồng của họ.
Phương pháp tiếp cận của chúng tôi là Số hóa, Định hướng chiến lược, Phi carbon hóa.
Số hóa: Đo và giám sát năng lượng tiêu thụ và phát thải carbon – Bao gồm: Tập trung dữ liệu về nguồn điện và tiện ích, nhận biết việc sử dụng năng lượng chính, và thực hiện phân tích dựa trên công nghệ đám mây.
Định hướng chiến lược: Xây dựng lộ trình giảm phát thải carbon. Bao gồm: Xác định mức phát thải carbon cơ sở, đánh giá công nghệ số để xác định khoảng cách, đánh giá tính khả thi kỹ thuật và kinh tế để ưu tiên triển khai, và mô hình hóa kịch bản cải tạo tòa nhà để xây dựng lộ trình và lịch trình.
Phi carbon hóa: Ở đây là hoạt động trung tâm. Chúng ta sẽ thực hiện giảm phát thải carbon của mình trên quy mô lớn và củng cố doanh nghiệp, tận dụng thông tin từ bước 1 và 2.
Giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon – Bao gồm: Sử dụng hệ thống quản lý năng lượng và tòa nhà, truy cập dữ liệu sử dụng mặt bằng, tối ưu hóa hiệu suất thiết bị thông qua bảo dưỡng dự đoán, và tận dụng AI để tối ưu hóa thời gian thực.
Mua năng lượng tái tạo ngoại vi – Bao gồm: Sử dụng hợp đồng mua điện (PPAs), mua chứng chỉ thuộc tính năng lượng (EACs)
Điện khí hóa vận tải – Bao gồm: chuyển đổi đội xe sang xe điện, lắp đặt trạm sạc EV, quản lý tải sạc EV.
Nâng cấp mạng điện của tòa nhà – Bao gồm: tối ưu hóa sơ đồ điện, nâng cấp hệ thống phân phối điện.
Lắp đặt năng lượng tái tạo tại chỗ – Bao gồm: Lắp đặt năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng tại chỗ, quản lý tải một cách linh hoạt.
Hạn chế phát thải carbon nội tại – Bao gồm: Mua sản phẩm có ít hoặc không phát thải carbon, tiến hành đánh giá tuần hoàn, kéo dài tuổi thọ thiết bị thông qua bảo dưỡng theo vòng đời.
Cân đối lượng phát thải carbon còn lại – Bao gồm: Mua bù phát thải carbon.
Ví dụ: Đạt được hoạt động trung hòa carbon bằng cách cải tạo tòa nhà Technopole của chúng tôi tại Grenoble, Pháp.
Schneider Electric tái thiết kế tòa nhà hiện tại để tạo ra một tòa nhà hiệu suất cao kết hợp nhiều công năng sử dụng. Tòa nhà cần đảm bảo sự thoải mái trong khi giảm tiêu thụ năng lượng, đạt được mức trung hòa carbon và giảm chi phí năng lượng. Ngoài ra, khoản đầu tư này cần thời gian hoàn vốn nhanh chóng.
Chúng tôi đã số hóa hệ thống hiện hữu bằng cách sử dụng bộ phần mềm EcoStruxure Building của chúng tôi để quản lý, giám sát và phân tích tòa nhà.
Dữ liệu chi tiết đã giúp đội ngũ quản lý hạ tầng của chúng tôi phát hiện ra những nơi sử dụng năng lượng không hiệu quả, theo dõi và báo cáo các vấn đề cần bảo dưỡng liên quan đến lượng phát thải carbon.
Đội ngũ của chúng tôi đã lắp đặt một lưới điện năng lượng tái tạo nhỏ sử dụng giải pháp EcoStruxure Microgrid.
Schneider Electric hướng đến đạt được sự hòa nhập và chăm sóc để đảm bảo môi trường làm việc và các quyết định kinh doanh an toàn và hòa nhập, giúp hiện thực hóa quá trình phát triển bền vững trên toàn cầu và tại địa phương. Là một trong những công ty đa dạng, hòa nhập và công bằng nhất thế giới, Schneider Electric tin tưởng vào việc thúc đẩy sự đa dạng, bình đẳng, hòa nhập và sự lành mạnh về thể chất và tinh thần cho lực lượng lao động nội bộ của mình, cũng như cung cấp khả năng tiếp cận năng lượng cho tất cả mọi người bên ngoài để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Chúng tôi tin tưởng vào các cam kết DEI (đa dạng, bình đẳng, hòa nhập) và tập trung vào bình đẳng giới với các sáng kiến như Chiến dịch HeForShe thuê tuyển và đào tạo phụ nữ để họ đảm trách các vai trò lãnh đạo và quản lý tuyến đầu. SE đi đầu trong cuộc chiến chống lại khoảng cách về bình đẳng giới và thành kiến vô thức bằng cách thúc đẩy các chính sách hòa nhập và làm việc linh hoạt, giúp cuộc sống và quá trình phát triển nghề nghiệp của nhân viên của chúng tôi dễ dàng hơn.
Chúng tôi xây dựng mối quan hệ đối tác với các tổ chức ưu tiên hòa nhập và chăm sóc nhằm giúp thúc đẩy thay đổi trong tiêu chuẩn làm việc cho tất cả các bên liên quan. Chúng tôi là một công ty vì con người, chấp nhận những khác biệt và xây dựng văn hóa tôn trọng hòa nhập nơi mọi người đều bình đẳng, độc đáo và an toàn để duy trì trạng thái tốt nhất của họ.
Chúng tôi cam kết mang lại sự hòa nhập cho người khuyết tật và làm cho nơi làm việc và cơ sở của chúng tôi trở thành nơi tất cả mọi người đều có thể tiếp cận bằng cách áp dụng các nguyên tắc thiết kế phổ cập khi thiết kế các cơ sở mới và thực hiện các biện pháp thích ứng khi có thể ở những cơ sở hiện có của chúng ta.
Mục đích của Schneider Electric là cải thiện cuộc sống của mọi người ở khắp nơi trên thế giới bằng cách phát triển các giải pháp năng lượng bền vững và mở rộng hỗ trợ một nền văn hóa hòa nhập và cơ hội bình đẳng tại nơi làm việc. Chúng tôi tin rằng mọi hình thức của sự đa dạng đều mang lại giá trị thực sự cho công ty, vì sự đa dạng về giới tính, dân tộc và kinh nghiệm có thể mang lại những kết quả sáng tạo và cải tiến.
Chúng tôi cho rằng công nghệ và trí tuệ nhân tạo đã có những đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quản lý năng lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty trở nên xanh, bền vững hơn.
Chúng tôi nỗ lực xây dựng mô hình toàn diện tích hợp giá trị kinh tế hữu hình và phi tài chính vào quyết định đầu tư. Cụ thể: Chúng tôi xác định giá trị của tòa nhà xanh một cách toàn diện từ những giá trị kinh tế hữu hình như tiết kiệm chi phí vận hành, giá trị bất động sản và giá cho thuê gia tăng…
Schneider Electric đã đồng hành cùng Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2022 giới thiệu Khung Giá Trị Cho Tòa Nhà Xanh (Building Value Framework).
Ở đó, chúng tôi xác định giá trị vô hình như hình ảnh doanh nghiệp, lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng trong hiện tại và tương lai…
Ví dụ: Đối với các tòa nhà văn phòng hiện hữu, nếu đầu tư cải tạo hệ thống quản lý tòa nhà, quản lý năng lượng, pin mặt trời, theo tính toán thời gian hoàn vốn từ tiết kiệm chi phí vận hành khoảng 10 năm. Tuy nhiên, ở đây chưa tính đến các giá trị như giá cho thuê tăng lên, giá trị thương hiệu, giá trị bất động sản tăng thêm.
Với các tòa nhà xây mới, chi phí đầu tư ban đầu cho một tòa nhà xanh cao hơn khoảng 4-6% so với tòa nhà thông thường. Mức này có thể giảm xuống dưới 4% vào năm 2030 khi công nghệ phát triển hơn. Đây là một mức hoàn toàn có thể chấp nhận được so với giá trị mang lại của một tòa nhà xanh.
Theo tôi, phát triển bền vững không còn là bài toán cân nhắc giữa phát triển kinh tế và phát triển bền vững mà là quyết định sống còn. Chúng ta có 1 khái niệm gọi là "Triple Bottom Lines", doanh nghiệp thành công không còn là đánh giá dựa vào tài chính mà còn được đánh giá dựa vào lợi ích mang đến cho xã hội, con người và môi trường.
Về mặt công nghệ, ứng dụng nhiều hơn công nghệ về điện hoá, số hoá chính là chìa khóa cân bằng bài toán này. Với điện hoá, chúng ta sử dụng năng lượng có hiệu quả hơn so với nguồn năng lượng hoá thạch. Đặc biệt là nguồn điện sạch từ năng lượng tái tạo. Số hoá giúp đưa ra giải pháp cho tòa nhà, nhà máy để thông minh hơn từ đó giúp chúng ta sử dụng năng lượng có hiệu quả nhất. Đó là khoản đầu tư và lợi ích mang lại.
Cuối cùng, xây dựng một hệ sinh thái bền vững, như Schneider Electric chúng tôi hoạt động tại Việt Nam có hệ sinh thái nhà cung ứng và khách hàng. Chúng tôi cũng giúp cho nhà cung ứng của chúng tôi những giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng như đối với khách hàng chúng tôi, đó là hệ sinh thái.
Theo tôi, hiện tại Việt Nam cơ sở hạ tầng trạm sạc vẫn chưa đủ phát triển và công nghệ liên quan vẫn còn hạn chế.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 26/4, doanh số bán xe điện (EV) đang tăng mạnh và dự kiến sẽ chiếm gần 20% số xe bán ra trong năm 2023. Trong báo cáo thường niên về EV, IEA dự kiến doanh số bán hàng hằng năm sẽ tăng 35% trong năm nay, đạt 14 triệu xe và thị phần EV sẽ ở mức 18%, tăng từ mức 4% trong năm 2020.
Doanh số xe điện tăng đồng nghĩa với việc nhu cầu về trạm sạc cũng tăng theo. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là cơ sở hạ tầng trạm sạc vẫn chưa đủ phát triển và công nghệ liên quan vẫn còn hạn chế. Điều này đặt ra một nhiệm vụ lớn cho ngành công nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng xe điện.
Những người sử dụng xe điện có nhu cầu sạc khi dừng chứ không phải dừng để sạc. Với sự phát triển của công nghệ, tầm hoạt động của xe điện ngày càng xa hơn vì thế nhu cầu dừng lại để sạc xe điện càng ngày càng nhỏ đi. Khi người dùng xe điện sạc xe tại nhà hay các tòa cao ốc, sẽ giảm được chi phí từ 20 - 25%, chủ động được khoảng thời gian chạy xe cũng như ứng dụng các công nghệ về năng lượng tái tạo để sạc xe điện. Đặc biệt, nhu cầu về sự thuận tiện là rất quan trọng.
Với hệ sinh thái của mình, các giải pháp của Schneider Electric mang đến khả năng kết nối giữa công nghệ thông minh và số hoá để giúp cho khách hàng sạc xe điện dễ dàng hơn, an toàn hơn, linh hoạt hơn cũng như tiết kiệm chi phí hơn, sử dụng năng lượng một cách có hiệu quả nhất.
Bài viết: Vân Đàm | Thiết kế: Hà Mĩ