Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm Thành phố vừa chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Thường trực Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm Thành phố.
Theo đó, Ban chỉ đạo xác định 10 dự án trọng điểm đầu tiên để Ban chỉ đạo theo dõi và tiếp tục cập nhật các dự án khác theo tiến độ.
10 công trình, dự án trọng điểm bao gồm: Dự án Vành đai 2 TP, đoạn 1 và đoạn 2; Dự án Vành đai 3; Dự án Vành đai 4 trên địa bàn TP; Dự án Cầu đường Nguyễn Khoái; Dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài; Dự án Metro số 1; Dự án Rạch Xuyên Tâm; Dự án Bắc Kênh Đôi; Chỉnh trang Chung cư Ngô Gia Tự; Dự án trang thiết bị 3 bệnh viện cửa ngõ TP.
Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị xác định nhiệm vụ và tiến độ trọng tâm của từng công trình, dự án, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các công trình vào khởi công, sử dụng. Ngoài ra, ông Mãi cũng đề nghị các sở, ngành, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh để hoàn thành 5 đề án quan trọng trong quý I/2024 này, bao gồm: Trung tâm tài chính quốc tế, đường sắt đô thị, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Quy hoạch TP HCM và 3 khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai 1-2.
Vành đai 2 TP, đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đường Võ Nguyên Giáp được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư hồi tháng 9/2023.
Đoạn này có tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.675 tỉ đồng) từ ngân sách TP HCM. Quy mô dự án gồm làm đường song hành hai bên với 6 làn xe, tại nút giao Bình Thái được thiết kế nút giao hoàn 3 tầng… Công trình khởi công từ quý II/2025, hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2026.
Đoạn 2 của Vành đai 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng dài khoảng 2,75 km. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 4.543 tỷ đồng, sẽ đầu tư đường song hành hai bên (mỗi đường rộng 16,5m, đáp ứng 3 làn xe). Đồng thời, xây dựng 2 nhánh cầu Rạch Ngang, xây dựng nút giao 3 tầng tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Vành đai 2.
Vành đai 3 TP HCM dài 76 km, đi qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, chia thành 8 dự án thành phần, hình thức đầu tư công. Tổng vốn đầu tư dự án là 75.300 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025 là 61.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 14.300 tỷ đồng.
Tại TPHCM, đường Vành đai 3 dài hơn 47 km (qua TP Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi).
Dự án Vành đai 3 TP HCM hiện công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đạt tiến độ đề ra. Các cơ quan đang tiếp tục vận động người dân, thu hồi 1,8% diện tích còn lại phục vụ thi công các gói thầu thuộc Dự án. Dự kiến hoàn thành trước 30/4/2024. Về nguồn vật liệu cát đắp nền đường đã được các tỉnh thống nhất hỗ trợ cung cấp cho dự án.
Dự án cầu đường Nguyễn Khoái tổng chiều dài gần 5 km, trong đó, phần cầu dài khoảng 2,5 km, rộng 6,5 - 25,5 m và phần đường dài hơn 2,3 km, rộng 26,5 - 61,5 m. Dự án sẽ làm cầu vượt suốt tuyến từ đường D1 khu dân cư Him Lam (Quận 7) đến Quận 1 và có nhánh rẽ xuống Quận 4. Các xe từ Quận 7 đi Quận 1 và ngược lại bằng cầu cạn trên đường Nguyễn Khoái, cầu vượt Kênh Tẻ và cầu vượt kênh Bến Nghé, kết nối đường Võ Văn Kiệt.
Dự án 1 đã được HĐND TPHCM thống nhất chi hơn 3.700 tỷ đồng vốn ngân sách đầu tư. Dự án được khởi công quý IV/2024, hoàn thành toàn bộ năm 2027.
Vành đai 4 TP HCM dài khoảng 206km đi qua 5 địa phương TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ của Sở GTVT TP HCM, dự án đường Vành đai 4 TP HCM có tổng mức đầu tư khoảng 105.028 tỷ đồng.
Dự kiến dự án sẽ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Chính phủ giao TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền triển khai 17,3km, Bình Dương 47,45km. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai 18,1km, Đồng Nai 45,6km và tỉnh Long An 78,3km. UBND TP.HCM là cơ quan được giao làm đầu mối tổng hợp việc triển khai dự án.
Dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài đang lấy ý kiến thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư vào quý I/2024. Dự án vành đai 4 với 5 dự án độc lập do các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và TPHCM chủ trì nghiên cứu đầu tư, hiện nay còn một số vướng mắc về nguồn vốn. Để đảm bảo tính thống nhất về kỹ thuật, Sở kiến nghị TP chủ trì mời các Bộ ngành và các tỉnh họp để thống nhất xin một số cơ chế và phương thức thực hiện.
Theo UBND TP HCM, tổng mức đầu tư dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài (bao gồm lãi vay) là 19.886 tỷ đồng. Dự án dài khoảng 50km, thực hiện theo hình thức đối tác công tư - hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, chiều dài khoảng 19,7 km với tổng mức đầu tư 43.757 tỷ đồng do JICA tài trợ và vốn đối ứng của TP HCM. Tuyến đường sắt số 1 đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và TP Dĩ An. Bên cạnh đó, tuyến Metro số 1 cũng được nghiên cứu kéo dài tới TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và tỉnh Bình Dương.
Sáng 16/2, tại phiên họp thứ 9 của Ban chỉ đạo Nhà nước, Bộ GTVT cho biết dự án Bến Thành - Suối Tiên sẽ phấn đấu hoàn thành vào tháng 7/2024.
Thông tin về tình hình thực hiện dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, Sở nhận thấy mốc thời gian phê duyệt dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã trễ so với kế hoạch của UBND TP ban hành.
Do đó, Sở xin ý kiến giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị rà soát, xây dựng tiến độ chi tiết để rút ngắn thời gian thực hiện các nội dung công việc còn lại để đáp ứng tiến độ.
Theo đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị có Công văn số 234/BHTĐT-DA3 ngày 25/01/2024 báo cáo đã thực hiện rà soát để rút ngắn thời gian thực hiện cụ thể: tháng 3/2024: trình thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công trên địa bàn quận Gò Vấp; tháng 8/2024: trình thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công trên địa bàn quận Bình Thạnh.
Tổng đầu tư dự án 9.665 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Điểm đầu dự án giao với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, điểm cuối giao sông Vàm Thuật quận Gò Vấp dài gần 9km.
Đối với dự án Nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn Quận 8, Sở Xây dựng đang phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, UBND Quận 8 và các đơn vị liên quan rà soát lập kế hoạch dự kiến thực hiện. Tổng mức đầu tư dự kiến 4.930 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2028.
Dự án chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng mới cụm chung cư Ngô Gia Tự, Phường 2, Quận 10 và dự án Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên được đề xuất đưa vào danh sách để Ban Chỉ đạo giám sát do liên quan đến nhiều đơn vị.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Mãi cho biết, hiện đã phân bổ 100% vốn cho các chủ đầu tư, các sở, ngành, đơn vị tiếp tục siết kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm để vận hành tốt. TP cũng đã xác định mục tiêu giải ngân đầu tư công theo 4 giai đoạn: Quý I giải ngân từ 10-12%; Quý II là 30%; Quý III là 60%; Quý IV là 90% và thời gian còn lại của tháng 1/2025 sẽ phấn đấu đạt 95% kế hoạch đề ra.
Nhật Minh