Trung Quốc chạm tay tới kho báu ‘vàng đen’ khổng lồ: Sâu hơn 9.400m, mất 177 ngày mới khoan xong, mỗi ngày sản xuất 200 tấn dầu thô, 50.000m3 khí

Trung Quốc phát hiện ra kho báu vàng đen khổng lồ.

CGTN cuối năm ngoái đưa tin công ty năng lượng và hóa chất Sinopec của Trung Quốc đã hoàn thành việc khoan giếng dầu khí sâu 9.432m sau 177 ngày, qua đó lập kỷ lục mới về giếng dầu sâu nhất châu Á.

Cụ thể, giếng dầu tên Yuejin 3-3XC này nằm trong khu vực Tân Cương (Trung Quốc), dự kiến sản xuất 200 tấn dầu thô và 50.000 mét khối khí tự nhiên mỗi ngày. ‘Kho báu vàng đen’ cho thấy những năm gần đây, Trung Quốc đã có những bước đột phá đáng chú ý như thế nào trong công cuộc thăm dò và phát triển nguồn tài nguyên dầu khí.

Tập đoàn truyền thông Trung Quốc đưa tin, tính đến nay, Trung Quốc đã phát hiện 352 mỏ dầu khí có độ sâu hơn 4.500m. Trong đó, khu vực lòng chảo Tarim tại Tân Cương ghi nhận những mỏ dầu có độ sâu 6.000-10.000m, chiếm 83,2% tổng sản lượng. Theo ước tính của công ty hóa dầu Sinopec, trữ lượng dầu trong lòng đất hiện lên đến khoảng 67 tỷ tấn.

“Thử nghiệm thành công giếng Yuejin 3-3XC cho thấy Tarim rất giàu tài nguyên dầu khí”, Cao Zichen, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Sinopec, nói. “Chúng tôi đã khám phá và phát triển một hệ thống thăm dò, công nghệ kỹ thuật liên quan đến các bể chứa dầu và khí đốt siêu sâu phức tạp, song vẫn đảm bảo tiến độ theo từng giai đoạn”.

Được biết, Yuejin 3-3 nằm trong dự án khoan siêu sâu Deep Earth. Khu vực lòng chảo chứa lượng dầu mỏ lớn nhất Trung Quốc, tuy nhiên, cũng là một trong những nơi khó thăm dò nhất đại lục vì độ sâu quá lớn.

Trung Quốc chạm đến kho báu với giếng ‘vàng đen’ sâu nhất châu Á: Sâu hơn 9.400 mét, mất 177 ngày mới khoan xong, mỗi ngày sản xuất 200 tấn dầu thô, 50.000 mét khối khí - Ảnh 1.

Công ty năng lượng và hóa chất Sinopec của Trung Quốc đã hoàn thành việc khoan giếng dầu khí Yuejin 3-3XC sâu 9.432m sau 177 ngày

“Các thế hệ công nhân trước đây thường sử dụng mũi khoan chóp xoay để phá vỡ địa tầng. Phương pháp này không hiệu quả, lại rút ngắn tuổi thọ của máy móc. Do đó, Sinopec đã đồng phát triển mũi khoan kim cương, có các răng làm từ kim cương nhân tạo đặt trên mũi khoan”, ông Liu Lei, Phó giám đốc Viện nghiên cứu kỹ thuật Sinopec, cho biết.

Để vượt qua các điều kiện khắc nghiệt về nhiệt độ và áp suất cao ở độ sâu hơn 9.000 m, Sinopec đã cải tiến công nghệ khoan, đưa Trung Quốc trở thành một trong số ít những quốc gia trên thế giới có khả năng khoan giếng sâu 10.000m.

“Thông qua sáng tạo và thảo luận, chúng tôi phát triển thành công công nghệ tiên tiến để thiết kế hệ thống khoan, vận hành và hỗ trợ chúng ở môi trường sâu và phức tạp. Cột mốc đánh dấu bước đột phá trong các công nghệ then chốt”, Wang Long, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Dầu khí Sinopec, cho biết.

Trước đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cũng tuyên bố một mỏ dầu có tên Bozhong 26-6 đã được khoan triển khai và hoàn thành ở độ sâu 4.480m. Giếng được thử nghiệm để sản xuất trung bình khoảng 2.040 thùng dầu thô mỗi ngày.

Trung Quốc chạm đến kho báu với giếng ‘vàng đen’ sâu nhất châu Á: Sâu hơn 9.400 mét, mất 177 ngày mới khoan xong, mỗi ngày sản xuất 200 tấn dầu thô, 50.000 mét khối khí - Ảnh 2.

Trung Quốc có được vị thế về dầu khí như hiện tại cũng bởi sở công nghệ khoan thông minh.

“Mỏ dầu Bozhong 26-6 là mỏ dầu thứ ba được phát hiện với 100 triệu tấn trữ lượng ở khu vực phía Nam, sau hai mỏ dầu Kenli 6-1 và Kenli 10-2”, Phó Kỹ sư trưởng thăm dò Xu Changgui nói.

Theo các chuyên gia, phát hiện dầu khí tự nhiên Bozhong 26-6 sẽ thúc đẩy sản lượng hàng năm của CNOOC lên trên 80 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2025. CNOOC là công ty dầu khí quốc gia lớn thứ ba của Trung Quốc, chỉ sau CNPC và Sinopec.

Được biết tháng 7/2023, CNPC đã bắt đầu thực hiện dự án Shendi Chuanke 1 Well tại tỉnh Sichuan với độ sâu 10.520m. Đây là dự án được tiếp nối sau cuộc khoan thăm dò vào tháng 5/2023 tại Xinjiang cũng với độ sâu tương tự và cũng được thực hiện bởi CNPC. 

Tỉnh Sichuan của Trung Quốc nổi tiếng là nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất nước nhưng CNPC lại mới chỉ khai thác được khá hữu hạn tiềm năng này do thách thức về địa hình.

Trung Quốc có được vị thế về dầu khí như hiện tại cũng bởi sở công nghệ khoan thông minh phát hiện chính xác dầu khí cũng như dẫn mũi khoan chạm tới điểm khai thác tốt nhất. Hệ thống khoan thông minh được dẫn đường bởi công nghệ định vị mục tiêu 3D tựa ‘bộ não’, song song với rất nhiều các thiết bị khác nhau đóng vai trò như ‘con mắt’, phối hợp nhịp nhàng để hoàn thành chính xác nhiệm vụ.

Theo: CGTN, SCMP

Vũ Anh

Vũ Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/trung-quoc-cham-tay-toi-kho-bau-vang-den-khong-lo-sau-hon-9400m-mat-177-ngay-moi-khoan-xong-moi-ngay-san-xuat-200-tan-dau-tho-50000m3-khi-2059804.htm