Đã có thời điểm kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của một công ty công nghệ Trung Quốc trở thành ‘cơn sốt’ ở Phố Wall.
Chẳng hạn, ngày gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba chuẩn bị IPO trên Sở giao dịch chứng khoán New York cách đây 1 thập kỷ, các ngân hàng lớn nhất thế giới tranh nhau bảo lãnh phát hành cổ phiếu này. Khi tiếng chuông khai mạc vang lên vào ngày 19/9/2014, tất cả reo hò mừng lễ lên sàn của gã khổng lồ Internet. 25 tỷ USD là số tiền đã huy động được.
Thế nhưng, suốt 3 năm qua, Phố Wall chưa từng chứng kiến một vụ IPO bom tấn nào khác của Trung Quốc. Khi mối quan hệ địa chính trị trở nên xấu đi, các công ty khó lòng tìm được một thị trường nước ngoài nào thoải mái với việc niêm yết.
Như một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định quyền kiểm soát lớn hơn đối với thị trường, hoạt động niêm yết dần trở lên khó khăn. Khoảng 40 công ty Trung Quốc đã IPO tại quê nhà trong 6 tháng đầu năm nay, song theo dữ liệu từ Dealogic, họ chỉ huy động được chưa đến 3 tỷ USD. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ này, 2024 sẽ là năm chứng kiến ít đợt IPO nhất của Trung Quốc trên toàn thế giới trong hơn một thập kỷ.
Tình hình khác xa thời điểm các công ty công nghệ Trung Quốc thúc đẩy thời hoàng kim của doanh nghiệp tư nhân. Phần thưởng trước đây trong các đợt niêm yết công khai đã giúp định hình cách các công ty khởi nghiệp huy động tiền, thu hút thêm vốn tư nhân từ bên ngoài Trung Quốc trong khi vẫn cho phép các nhà đầu tư trong và ngoài nước chuyển tiền ra bên ngoài.
Hàng tỷ USD giá trị đã bị xóa khỏi ngành công nghệ Trung Quốc. Các công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ rút mạnh dòng vốn khỏi thị trường, trong khi bản thân các công ty Trung Quốc cũng không chắc chắn về sự giám sát mà họ có thể phải đối mặt nếu cố gắng IPO tại Mỹ.
Vào tháng 2, sau thông tin Shein, công ty mua sắm trực tuyến do Trung Quốc thành lập, tìm cách niêm yết cổ phiếu tại Mỹ, Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã kêu gọi người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch ngăn chặn kế hoạch IPO nếu công ty từ chối chia sẻ thông tin về các mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Linda Yu, một nhà đầu tư Mỹ, cho biết: “Thị trường mà một công ty Trung Quốc chọn niêm yết ngày nay bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị”.
Theo Financial Times, hầu hết các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ đều IPO trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2021, khi các nhà đầu tư tranh giành cổ phần trong các công ty khởi nghiệp. Sự bùng nổ đã kết thúc vào giữa năm 2021 - khi công ty gọi xe Didi Chuxing của Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán New York mà không được các giới chức đại lục bật đèn xanh.
Hai ngày sau khi IPO, chính quyền Trung Quốc buộc Didi ngừng đăng ký người dùng mới và tiến hành đánh giá an ninh mạng vì lo ngại rằng niêm yết đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải chuyển dữ liệu sang Mỹ.
Sáu tháng kể từ đó, cơ quan quản lý Trung Quốc tiếp tục đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn đối với các công ty muốn IPO. Năm nay, Alibaba đã phải hủy bỏ kế hoạch tách một trong những đơn vị kinh doanh của mình thông qua IPO tại Hồng Kông.
Các doanh nghiệp tư nhân từ lâu đã phải tìm cách vận hành mà không bị chính quyền đè bẹp.
Các sàn giao dịch chứng khoán chính của Trung Quốc tại Thượng Hải và Thâm Quyến được thành lập vào đầu những năm 1990 như một phần của cuộc cải cách thay đổi nền kinh tế Trung Quốc. Từ năm 2011 đến 2018, Trung Quốc có số lượng IPO tương đương với Mỹ.
Năm 2019, Trung Quốc ra mắt Star Market ở Thượng Hải để khuyến khích các công ty công nghệ IPO tại đây. Tuy nhiên, các nhà đầu tư và người sáng lập lại thích niêm yết ở New York nếu có thể.
Vào tháng 4, Bắc Kinh công bố tiêu chuẩn cao hơn đối với các công ty muốn IPO. Theo hồ sơ công khai của cơ quan quản lý, ít nhất 100 công ty đã rút lại kế hoạch niêm yết trong năm nay trên các sàn giao dịch ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Đầu tư vốn mạo hiểm đang ở mức thấp nhất trong 4 năm.
Ông Collier nói: “Cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc rất hà khắc khi cho phép các công ty niêm yết. Rất nhiều công ty lo lắng về kế hoạch này”.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị IPO của Trung Quốc giảm mạnh 84% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 32,5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,48 tỷ USD). Ông Dick Kay, Trưởng nhóm dịch vụ chào bán của Deloitte, cho biết tốc độ niêm yết trong quý II này chậm hơn nhiều, thậm chí không có thương vụ IPO nào vào tháng 3 và tháng 4.
Deloitte cũng đã hạ dự báo cho hoạt động IPO của Hong Kong (Trung Quốc) trong năm nay xuống còn khoảng từ 60-80 tỷ đôla Hong Kong (khoảng 7,7-10,3 tỷ USD), giảm so với mức 100 tỷ đôla Hong Kong trong quý trước.
“Đây có thể là thị trường thoái vốn tồi tệ nhất mà chúng tôi từng chứng kiến trong hơn 20 năm qua”, ông Ian Goh, đối tác quản lý tại Trung Quốc của Công ty đầu tư mạo hiểm 01VC, cho biết.
Dẫu vậy, theo ông Adrian Hia, đối tác tại Công ty đầu tư mạo hiểm Malaysia Kairous Capital, một môi trường khắc nghiệt hơn có thể tạo ra hệ sinh thái bền vững cho cả nhà đầu tư và các công ty. Trước đây, ông cho biết các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc phải cạnh tranh cực kỳ khốc liệt để tìm được một thỏa thuận tốt. Lúc đó, họ chỉ tập trung vào việc huy động vốn thay vì xây dựng giá trị đích thực.
Theo: Financial Times, Reuters
Vũ Anh