Với mức giá thấp hấp dẫn, đồ ăn vặt trở thành thứ vô cùng phổ biến trên khắp các trị trấn, thành phố nhỏ Trung Quốc. Rất nhiều doanh nhân trẻ tại đây đã khởi nghiệp bán đồ ăn vặt, chủ yếu thông qua hình thức nhượng quyền thương mại với hy vọng kiếm được tiền từ thị trường.
Tuy nhiên, cạnh tranh khốc liệt khiến một số cửa hàng xuất hiện cũng nhanh mà biến mất cũng nhanh. Ai mới thực sự là người thắng, kẻ thua trong cơn sốt đồ ăn vặt ở Trung Quốc?
Theo báo cáo vào năm 2022 của nhóm nghiên cứu Redstar Capital, thị trường đồ ăn vặt Trung Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng kép hàng năm hơn 11% kể từ năm 2015. Trong tương lai, sẽ còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Sự phổ biến chủ yếu được ghi nhận tại các thị trấn và thành phố nhỏ - nơi số lượng các cửa hàng đồ ăn vặt nhiều hơn cả cửa hàng trà sữa. Hầu hết đều được đầu tư trang trí bắt mắt, đủ ánh sáng, với diện tích lên tới hơn 100 mét vuông. Đặc biệt, giá thấp hơn đáng kể so với giá trong siêu thị.
Super Ming và Busy For You hiện là hai thương hiệu phổ biến nhất. Nhiều chủ cửa hàng cho biết họ chọn tham gia thị trường vì tin rằng nhu cầu đối với mặt hàng này là vô tận. Chắc chắn mô hình sẽ thành công ở các thị trường chưa được khai thác.
Enshi, trung tâm tỉnh Hồ Bắc, có khoảng 800.000 dân. Đi bộ vào trung tâm theo bất kỳ hướng nào, cứ sau vài trăm mét, không khó để bạn bắt gặp một cửa hàng đồ ăn vặt.
“Có vẻ như các cửa hàng bán đồ ăn nhanh đã xuất hiện khắp nơi chỉ sau 1 đêm. Họ đang mở rộng với tốc độ đáng kinh ngạc”, Xu Wen, cư dân ở Bạng Phụ, thành phố với khoảng 3 triệu dân ở phía đông tỉnh An Huy, cho biết.
Trên trang web chính thức của mình, Busy For You quảng cáo hoạt động kinh doanh nhượng quyền đang mở rộng nhanh chóng, với trung bình 6 cửa hàng mới được mở mỗi ngày. Chuỗi chỉ có hơn 1.000 cửa hàng vào tháng 3 năm 2022 song đến cuối tháng 6 năm 2023, con số đó đã tăng lên 3.000. Công ty cho biết đang lên có kế hoạch “thâm nhập sâu vào các quận và thị trấn Trung Quốc”.
Super Ming, có trụ sở chính tại Yichun, tỉnh Giang Tây, chỉ có 84 cửa hàng trên toàn quốc vào những ngày đầu. Hiện hãng đã có hơn 2.200 cửa hàng, chủ yếu tập trung ở các thị trấn và thành phố nhỏ. Yummy Snack, ra mắt tại tỉnh Tây Nam Tứ Xuyên vào năm 2021, mở hơn 100 cửa hàng mới mỗi tháng vào năm 2022, đồng thời lên kế hoạch mở thêm 16.000 cửa hàng nữa vào năm 2026.
Chen Haisheng sở hữu một cửa hàng đồ ăn vặt rộng 40 mét vuông ở quận Thiên Hà, trung tâm Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Anh cho biết việc thâm nhập thị trường rất dễ dàng.
“Mô hình kinh doanh rất đơn giản và mức đầu tư ban đầu là tối thiểu. Chỉ cần bạn chọn đúng địa điểm và giữ giá cả cạnh tranh, bạn có thể kiếm tiền”, Chen Haisheng nói cho biết mình trả khoảng 7.500 nhân dân tệ (1.030 USD) mỗi tháng tiền thuê nhà và các tiện ích. Nhân viên chủ yếu là sinh viên đại học làm việc bán thời gian và được trả 20 nhân dân tệ/giờ.
“Nói chung, hầu hết giới trẻ đều có thu nhập khiêm tốn và không có sở thích gì đặc biệt. Ngoài tiền thuê nhà và thức ăn, phần lớn số tiền họ kiếm được sẽ dùng để mua đồ ăn vặt rẻ tiền”, Chen Haisheng nói và cho biết thêm hóa đơn mỗi đơn hàng thường rơi vào khoảng 30 nhân dân tệ.
Dù đã kiếm được lợi nhuận hàng tháng khoảng 20.000 nhân dân tệ, anh chàng vẫn cảm thấy không hài lòng. Anh dự định sẽ trở về nhà ở Thiều Quan, một thành phố nhỏ hơn nhiều ở phía bắc Quảng Đông, vì nghĩ rằng mở một cửa hàng tương tự ở khu vực kém phát triển sẽ cho lợi nhuận cao hơn.
Theo Chen, không giống ở đô thị lớn nơi có rất nhiều cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị, người dân tại các trung tâm đô thị nhỏ không có nhiều sự lựa chọn. Trong nhiều năm, thành phố quê hương của anh chỉ có một trung tâm mua sắm khiêm tốn duy nhất cung cấp một vài sản phẩm.
Ngoài ra, giao hàng đến các thị trấn và vùng nông thôn xa xôi có thể mất 1-2 ngày. Một số ngôi làng thậm chí không có dịch vụ giao hàng tận nhà và người dân buộc phải đến thị trấn gần nhất để nhận bưu kiện.
Li Wei, chủ một cửa hàng đồ ăn vặt ở quê hương Bằng Tường, Giang Tây, đã nhận ra tiềm năng từ các thành phố cấp thấp. Có diện tích khoảng 150 mét vuông, cửa hàng của anh không chỉ cung cấp thực phẩm mà còn bán đồ dùng nhà bếp, đồ gia dụng. Trung bình một khách hàng chi ít hơn 100 nhân dân tệ cho mỗi lần mua hàng. Công việc kinh doanh khá phát đạt.
“Đừng cho rằng người dân ở các thị trấn nhỏ không có tiền. Không nên đánh giá thấp sức mua của cư dân ở đây”, anh nói và cho biết họ ít quan tâm đến thương hiệu. “Thị trấn càng nhỏ thì người dân càng ít quan tâm”.
Ngoài sản phẩm của những công ty nổi tiếng như Want Want và Lays, Li chọn bán những thương hiệu giá rẻ, ít tên tuổi. Chúng mới là thứ mang lại phần lớn lợi nhuận cho anh.
“Đối với người dân địa phương, thương hiệu và chất lượng thực phẩm có thể không phải là mối quan tâm hàng đầu. Họ có niềm tin cố hữu hơn vào các cửa hàng truyền thống và cảm thấy rằng mua sắm ngoại tuyến sẽ tốt hơn”, Li nói và cho biết cửa hàng mình tạo ra doanh thu hàng ngày khoảng 4.000 nhân dân tệ. Trong các đợt khuyến mãi đặc biệt, con số này có thể lên tới hơn 7.000 nhân dân tệ.
Tuy nhiên, gia nhập thị trường càng dễ, mức cạnh tranh càng cao. Để mở một cửa hàng trong một thị trường như vậy, con đường khả thi duy nhất là kinh doanh nhượng quyền.
Với chiến lược kinh doanh cốt lõi là tỷ suất lợi nhuận thấp, doanh thu cao, cửa hàng cần bán nhiều loại sản phẩm giá thấp và nhanh chóng xác định được xu hướng.
Nhượng quyền thương mại hứa hẹn mang lại sự lựa chọn toàn diện nhờ nguồn cung ứng giá thấp. Theo Li, những cửa hàng này tự thu hút sức mua của khách hàng mà không cần chào mời.
“Người tiêu dùng đã tin tưởng và không cần phải so sánh họ với các thương hiệu khác”, Li nói.
Chi phí nhượng quyền tùy thuộc vào mức độ phổ biến của chuỗi và loại dịch vụ cung cấp, song hầu hết là khoảng 50.000 nhân dân tệ. Các công ty cũng sẽ đặt ra các yêu cầu tối thiểu cho lần mua hàng đầu tiên của bên nhận quyền. Chẳng hạn như tại Super Ming, bên mua phải chi ít nhất 180.000 nhân dân tệ.
Cộng thêm một số chi phí khác như phí quản lý, thiết bị, phí chuyển nhượng tiền thuê cửa hàng, nhân công…Tổng cộng, chi phí để mở một cửa hàng bán đồ ăn vặt ở thị trấn hoặc thành phố nhỏ lên tới khoảng 600.000 nhân dân tệ.
Dựa trên lợi nhuận hàng tháng dự kiến của Li là 24.000 nhân dân tệ, anh chàng cần hơn 2 năm mới có thể hòa vốn.
“Kể từ thời điểm một cửa hàng trở thành cửa hàng nhượng quyền, chủ sở hữu sẽ không còn có bất kỳ quyền kiểm soát nào đối với hoạt động của cửa hàng đó nữa”, Li nói.
Để hòa vốn nhanh nhất có thể, các chủ cửa hàng thường bị cuốn vào cuộc chiến giá cả. Li giải thích: “Khi giao dịch với một nhóm người tiêu dùng nhất định, việc giảm giá sẽ giúp bạn đổi lấy lòng trung thành của khách hàng”.
Nhiều cửa hàng ra sức giảm giá để thúc đẩy doanh số bán hàng, chẳng hạn như chiết khấu cho thành viên, rút thăm may mắn và quà tặng miễn phí. Tuy nhiên, khi các chiến dịch tiếp thị diễn ra quá thường xuyên, thái độ người tiêu dùng sẽ thay đổi.
“Ban đầu, người dân ở các thị trường đang phát triển không nhạy cảm với giá cả. Tuy nhiên giờ đây, họ sẽ so sánh sản phẩm từ nhiều nguồn và chọn loại rẻ nhất”, Li nói.
“Bạn không bao giờ biết sản phẩm nào sẽ bán chạy. Khả năng bổ sung hàng tồn kho nhanh chóng là một trong những chỉ số quan trọng đánh giá khả năng cạnh tranh của một cửa hàng. Nói chung, chủ sở hữu sẽ mua số lượng hàng tồn kho lớn để dễ dàng bổ sung vào kệ nếu hết”.
“Hàng không bán được từ cửa hàng này sẽ được mang đến cửa hàng khác. Điều này giúp sản phẩm luôn chuyển động”, Chen, một thủ kho cho biết.
Tuy nhiên, nhượng quyền cũng có những mặt hại. Các chủ cửa hàng không thể tìm nguồn hàng từ nơi khác. Họ chỉ có thể chấp nhận mức giá do chuỗi đặt ra và chọn từ danh mục sản phẩm của chuỗi.
“Tại thời điểm này, chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn. Khi kinh doanh kém, chúng tôi bị mắc kẹt với các sản phẩm, song khi hoạt động kinh doanh thuận lợi, chúng tôi đặt hàng nhiều hơn và rủi ro gặp vấn đề phát sinh cũng tăng lên”, một chủ cửa hàng nói.
Theo: Sixtone
Vũ Anh