Trước khi đưa cổ đông “lên đỉnh” 27 lần trong 6 tháng qua, cổ phiếu FPT từng trải qua "ngày 13 đen tối": Thước đo giàu nghèo trong nội bộ nhân viên trở thành "bán kịp và không bán kịp"

Phiên giao dịch thứ Sáu ngày 13/7/2007 được coi là "ngày 13 đen tối" của cổ phiếu FPT, khi các nhà đầu tư nước ngoài bán ra ào ạt theo phương thức khớp lệnh với tổng khối lượng lên tới trên 1 triệu cổ. Tình huống này xuất phát từ một quyết định trước đó của Tập đoàn.

Trước khi đưa cổ đông lên đỉnh 27 lần trong 6 tháng, cổ phiếu FPT từng trải qua "ngày 13 đen tối": Thước đo giàu nghèo trong nội bộ nhân viên trở thành "bán kịp và không bán kịp"- Ảnh 1.

Từ đầu năm đến nay, FPT đã có 27 lần đóng cửa ở mức cao nhất lịch sử (tính theo giá điều chỉnh) trong khi mới giao dịch tổng cộng 105 phiên. Vốn hóa thị trường của Tập đoàn cũng lập kỷ lục mới trên 180.000 tỷ đồng, cao hơn gần 50% so với đầu năm 2024, leo lên vị trí thứ 5 trong danh sách các công ty niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, trước khi đạt cú bứt phá như hiện nay, cổ phiếu FPT từng phải trải qua thời khắc đen tối chỉ 7 tháng sau khi lên sàn chứng khoán.

Lễ niêm yết và chào mừng phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu FPT trên sàn HoSE diễn ra vào 8h sáng ngày 13/12/2006. Theo cuốn "Sử ký FPT 35 năm", đến 8h48, khi bảng điện tử trôi dần đến dòng chữ FPT và giá khớp lệnh hiện ra con số 400.000 đồng/cổ phiếu cùng khối lượng giao dịch là 83.520 cổ, tiếng vỗ tay nổ ran trên khắp sàn giao dịch.

Chỉ trong nửa tháng, giá cổ phiếu FPT đã tăng 46 lần so với mệnh giá, tới ngày 27/2/2007 lên đỉnh ở mức 672.000 đồng/cổ phiếu – mức kỷ lục tại thời điểm đó.

Sự thăng hoa này khiến không khí trong nội bộ FPT lúc đó cực kỳ hứng khởi. Ông Hoàng Nam Tiến – Thành viên Hội đồng Sáng lập FPT – từng kể lại rằng chỉ qua một đêm sau khi Tập đoàn lên sàn chứng khoán, FPT có hơn 150 người trở thành triệu phú USD.

"Tại Hà Nội, khắp nơi bàn về cổ phiếu. Người FPT bắt đầu chào nhau bằng câu: "Cổ hôm nay bao nhiêu rồi?". Người người rủ nhau đi học về cổ phiếu, chứng khoán. Hằng ngày, số lượng nhân viên FPT TP HCM kéo nhau lên các sàn giao dịch hoặc ngồi uống cà phê bên ngoài ngày càng tăng", Lược sử FPT ghi lại.

Trước khi đưa cổ đông lên đỉnh 27 lần trong 6 tháng, cổ phiếu FPT từng trải qua "ngày 13 đen tối": Thước đo giàu nghèo trong nội bộ nhân viên trở thành "bán kịp và không bán kịp"- Ảnh 2.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình (trái) bắt tay lãnh đạo HoSE sau khi đánh cồng - nghi lễ chính thức giao dịch cổ phiếu FPT hồi năm 2006. Ảnh: Bảo tàng FPT.

Với những thành công này, tới tháng 4/2007, FPT thông qua mục tiêu trở thành tập đoàn kinh tế - công nghệ hàng đầu bằng việc triển khai mở rộng các hướng kinh doanh như bất động sản, tài chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phân phối bán lẻ. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết họ cũng đã tiến vào lĩnh vực Tài chính và Đầu tư tài chính, đồng thời có kế hoạch tham gia góp vốn thành lập Công ty Chứng khoán FPT, CTCP Quản lý Quỹ đầu tư và Ngân hàng TMCP FPT.

Quyết định này phần nào gây ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu của FPT. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng việc mở rộng hoạt động kinh doanh sang quá nhiều lĩnh vực khác là không tốt cho FPT, bởi các tập đoàn lớn thường chỉ gắn tên tuổi với một vài lĩnh vực kinh doanh chính.

"Khác với những ngày trước đó, phiên giao dịch thứ Sáu ngày 13/07/2007 được coi là "ngày 13 đen tối" của cổ phiếu FPT, khi các nhà đầu tư nước ngoài bán ra ào ạt theo phương thức khớp lệnh với tổng khối lượng lên tới trên 1 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch của cổ phiếu FPT khi đó đạt 313 tỷ đồng, chiếm gần 50% giá trị khớp lệnh toàn thị trường.

Các cổ đông lớn của FPT đăng ký bán ra rất nhiều, đặc biệt là TPG – đơn vị sở hữu 5,4 triệu cổ phiếu – bán ra 4 triệu khiến cung vượt quá cầu, làm cổ phiếu sụt giá.

Người FPT trầm lặng. Một số người không bán kịp khi giá cổ phiếu FPT còn ở đỉnh cao, nay trở nên trầm cảm… Sau khi cổ phiếu FPT lên sàn được 6 tháng, thước đo giàu nghèo của người FPT với nhau là: bán kịp và không bán kịp", Sử ký FPT 35 năm ghi lại.

Để chấm dứt tình trạng này, ngày 8/8/2007, tại cuộc họp HĐQT FPT, tất cả thành viên cùng cam kết không bán cổ phiếu đến hết ngày 31/12/2007 và thành lập Ban Quan hệ cổ đông trực thuộc HĐQT FPT.

Tại ĐHĐCĐ FPT thường niên ngày 30/3/2008, trước câu hỏi làm thế nào để giá cổ phiếu FPT trở lại, Chủ tịch Trương Gia Bình trả lời: "Cách tốt nhất là chúng tôi làm việc, làm việc và làm việc để có lợi nhuận tốt nhất. Mặt khác, khi có bất cứ thông tin gì, chúng tôi sẽ thông báo đầy đủ và kịp thời tới tất cả các cổ đông trong và ngoài nước cũng như với báo chí. Tôi nghĩ bây giờ chúng ta cần sự nỗ lực và kiên nhẫn".

Giờ đây, FPT trở thành cái tên hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Ông Trương Gia Bình đánh giá các nhà đầu tư nước ngoài đang hợp tác với Việt Nam dựa trên 5 từ khoá: Trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Theo VNDirect, giá cổ phiếu FPT tăng vọt từ khi tin tức về mối quan hệ hợp tác với NVIDIA xuất hiện. MBS cũng đánh giá cái bắt tay với gã khổng lồ ngành chip đã tạo ra cú huých lớn với FPT. Việc hợp tác toàn diện với NVIDIA để thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo sẽ tạo động lực tăng trưởng doanh thu dài hạn cho FPT khi AI generative đang trở thành xu thế mới trong ngành công nghệ thông tin.

Minh Anh

Minh Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/truoc-khi-dua-co-dong-len-dinh-27-lan-trong-6-thang-qua-co-phieu-fpt-tung-trai-qua-ngay-13-den-toi-thuoc-do-giau-ngheo-trong-noi-bo-nhan-vien-tro-thanh-ban-kip-va-khong-ban-kip-20515990.htm