TS Nguyễn Văn Đính - Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS).
Theo báo cáo mới nhất của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nước ta đang tăng tốc hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Trong hành trình này, lĩnh vực bất động sản – vốn chiếm tới 39% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) – đang chuyển mình mạnh mẽ.
Các công trình “carbon-neutral”, đạt chứng chỉ xanh quốc tế như LEED, EDGE đang trở thành xu hướng tất yếu, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, vừa mở ra cơ hội sinh lời hấp dẫn cho các chủ đầu tư.
Tính đến nay, cả nước có 559 công trình với tổng diện tích 13,6 triệu m2 sàn đạt chứng nhận xanh, 31.384 căn hộ và 3.234 nhà ở riêng lẻ được công nhận. Riêng trong năm 2024, Việt Nam ghi nhận 163 công trình xanh mới, gấp hơn hai lần so với năm 2023 và gấp 27 lần so với năm 2014.
“Điều này cho thấy xu thế “xanh hóa” bất động sản đang diễn ra ngày càng nhanh chóng và sâu rộng. Sự gia tăng mạnh mẽ của bất động sản xanh không chỉ đến từ các yêu cầu chính sách về môi trường mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường.
Trong bối cảnh ô nhiễm đô thị ngày càng nghiêm trọng, thế hệ người mua mới như Gen Z và Millennials ngày càng ưu tiên lựa chọn không gian sống xanh, đảm bảo chất lượng môi trường”, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho hay.
Một khảo sát khác của Batdongsan.com.vn, cuối năm 2024, có tới 86% người mua quan tâm đến việc sở hữu nhà xanh và 88% sẵn sàng chi trả thêm cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh.
Không chỉ hấp dẫn người tiêu dùng trong nước, bất động sản xanh còn thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là từ châu Âu và Singapore – những khu vực luôn đặt tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) lên hàng đầu trong các quyết định đầu tư. Đây là cơ hội lớn để các chủ đầu tư Việt Nam thu hút dòng vốn tỷ đô quốc tế, nếu tiên phong phát triển các dự án bất động sản xanh, trung hòa carbon.
Song song với sự chuyển biến của thị trường, chính sách của Nhà nước cũng đang từng bước đồng hành và thúc đẩy công trình xanh. Quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2050 đã xác định rõ định hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, phát thải thấp. Nhiều địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đã yêu cầu tích hợp tiêu chí công trình xanh vào các quy định xét duyệt dự án.
Ngoài ra, chủ đầu tư dự án xanh còn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế như IFC, GIZ (Đức), AFD (Pháp) và tận dụng các công cụ tài chính xanh để tối ưu hóa chi phí và gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Các dự án bất động sản xanh cũng cho thấy hiệu quả tài chính vượt trội. Theo Hội đồng Công trình Xanh Thế giới (WorldGBC), công trình đạt chứng chỉ xanh có thể giúp gia tăng giá trị tài sản lên đến 7% trong vòng 5 năm.
Các công trình xanh giữ giá tốt hơn trên thị trường thứ cấp và có thời gian thu hồi vốn nhanh. Chứng chỉ EDGE của IFC cho thấy mức tăng chi phí đầu tư chỉ khoảng 2%-3%, nhưng có thể thu hồi vốn trung bình chỉ sau 3 năm; với LEED, mức tiết kiệm năng lượng có thể đạt tới 30%-40%.
Dù còn một số thách thức như chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu nhân lực chuyên môn và cần hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ, nhưng theo ông Nguyễn Văn Đính, xu thế phát triển bất động sản xanh tại Việt Nam là tất yếu và không thể đảo ngược.
Đây không chỉ là sự lựa chọn để đồng hành với cam kết Net Zero của Việt Nam, mà còn là chiến lược thông minh để chủ đầu tư khẳng định vị thế trên thị trường, gia tăng giá trị tài sản và mở rộng cơ hội tiếp cận dòng vốn xanh toàn cầu.
Ông Đính khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật tiêu chuẩn xanh quốc tế như EDGE, LEED, LOTUS ngay từ giai đoạn thiết kế và quy hoạch, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật. Song song, cần xây dựng chiến lược truyền thông rõ ràng để làm nổi bật giá trị "xanh", thu hút thế hệ người mua trẻ và nhà đầu tư ESG.
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, VARS đề xuất sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công trình xanh, thiết kế các chính sách ưu đãi cụ thể cho dự án đạt chứng chỉ xanh như ưu tiên xét duyệt quy hoạch, giảm tiền sử dụng đất, ưu đãi tín dụng, hỗ trợ đào tạo nhân lực. Đây là những động lực quan trọng để đẩy nhanh tiến trình phát triển bất động sản xanh, góp phần vào mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam trong tương lai.
Kỳ Thư
Đàm Thị Thuý Vân
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ts-nguyen-van-dinh-bat-dong-san-xanh-bung-no-co-hoi-don-dau-dong-von-ty-do-205250505091053282.htm