“5 năm trước khi quy hoạch chương trình đào tạo, FPT Polytechnic đã loại bỏ ngành Tài chính - Kế toán. Đó là một quyết định gây tranh cãi khi ấy”, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường - trường Đại học FPT - nhớ lại.
“Rất nhiều người hỏi “Tại sao FPT không đào tạo Tài chính - Kế toán?” Ngày hôm nay chính là câu trả lời. Năm 2030, những người học kế toán và tài chính được dự báo là những người bị mất việc nhiều nhất”.
Chia sẻ với các sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic về sự biến động của nghề nghiệp trong tương lai, ông Hoàng Nam Tiến trích báo cáo mới nhất của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023 sau cuộc họp tại Thiên Tân, Trung Quốc.
“Hàng nghìn các nhà lãnh đạo, quân sự, ngoại giao, kinh tế, khoa học đều có mặt tại cuộc họp ấy. Họ đã trả lời những câu hỏi rất khó, ví dụ, vào năm 2030, nghề nào sẽ mất việc?”
“Rất nhiều giáo viên nên lo lắng”, ông Tiến nói. “Một ngày, AI (trí tuệ nhân tạo - PV) sẽ thay thế rất nhiều công việc của giáo viên, người giáo viên phải thay đổi”.
Báo cáo Tương lai việc làm (The Future of Jobs Report 2023) của WEF dự đoán thị trường lao động cơ cấu sẽ mất 23% việc làm trong 5 năm tới. Khảo sát 11,3 triệu người từ 803 công ty của 45 nền kinh tế đang hoạt động trong 27 cụm ngành khác nhau, các nhà tuyển dụng dự báo 69 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra, song song với đó là 83 triệu việc làm sẽ biến mất trong 5 năm tới.
“Các bạn có định học những nghề chưa ra trường đã thất nghiệp?”, ông Tiến đặt câu hỏi.
Theo ông Tiến, sự thay đổi của công nghệ đang tác động đến thị trường lao động theo cách chưa từng thấy trong lịch sử.
Ông Tiến lấy ví dụ về sự có mặt và phát triển Máy tính lượng tử - quantum computing và cho biết đây rất có thể sẽ là từ khóa của tương lai gần. Vì sao? Vì nó có thể giải được những bài toán mà chúng ta mất đến 10.000 năm lịch sử để kiến tạo và giải được – mật khẩu của các phép tính khó, mã hóa mật khẩu thẻ chip của tài khoản ngân hàng... nhưng máy tính lượng tử chỉ mất tối đa 200 giây.
Như vậy, thế giới sẽ đảo lộn vì nhiều bài toán lớn trong mọi ngành kinh tế sẽ thay đổi, đồng nghĩa với cơ cấu lao động sẽ thay đổi. Rất nhiều ngành sẽ mất đi. Tất cả được tạo nên bởi công nghệ và con người. “Chỉ khoảng 2025, những ai hiểu biết về máy tính lượng tử người đó sẽ được trọng dụng, vì ở Việt Nam chưa có trường nào đào tạo còn ở nước ngoài thì có rất ít trường bắt đầu triển khai môn này”, ông cho biết.
Sự thay đổi của thị trường kéo theo sự thay đổi về nhu cầu tuyển dụng cũng như tiêu chí lựa chọn lao động.
“Các bạn và chúng tôi khi vào một tổ chức nào đấy, rất hay được hỏi: “Em có thành thạo Word, Excel, PowerPoint hay không?” Trong tương lại, câu hỏi đó sẽ là: “Em có thành thạo AI và Big Data hay không?”. Thế giới thay đổi như vậy và thay đổi rất nhanh”, ông Tiến nói.
Các kỹ năng thị trường lao động yêu cầu, theo WEF, bao gồm “làm việc với Big Data và AI”, “Sử dụng tiếng Anh thành thạo”, “năng lực tự chữa lành và cân bằng tâm lý”, “Quản trị nhân tài...”
Theo ông Tiến, cùng với năng lực học tập suốt đời, tư duy độc lập và năng lực phản biện là một trong những kỹ năng quan trọng nhất giúp sinh viên sớm thăng tiến trong sự nghiệp.
“Thế hệ chúng tôi tự hào về chuyện mình là kẻ “ngoan cố” – ngoan ngoãn và cố gắng, bảo gì nghe nấy. Nhưng ngày nay, nếu muốn phát triển, bạn phải là những người biết cãi lại, chất vấn lại những quan điểm, kiến thức được học. Ngoan ngoãn và cố gắng là không đủ”.
“Trong một xã hội luôn thay đổi, tự duy độc lập, khả năng phản biện và lối sống khác biệt sẽ là điều cần thiết. Không có nó, các bạn sẽ trở thành những cá thể bình thường, nhạt nhòa, rất có thể trở nên tầm thường và sớm bị đào thải khỏi thị trường lao động”, ông Tiến cảnh báo.
Bảo Bảo