Năm 2021 là cột mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi tư duy cố định về nông nghiệp. Ngày xưa, người dân chỉ tập trung vào sản xuất lương thực mà không quá quan tâm tới việc quảng bá sản phẩm mình trồng. Phân phối sản phẩm chủ yếu là công việc của các đại lý, nhà thu mua nông sản.
Tuy nhiên, TikTok đã thay đổi toàn bộ mô hình nông nghiệp. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc trung tâm xúc tiến thương mại là đơn vị đầu tiên hợp tác với TikTok phân phối các mặt hàng nông sản trên nền tảng này.
Phát biểu tại diễn đàn Xu hướng Tiêu dùng Việt Nam, ông Tiến, đại diện trung tâm xúc tiến thương mại nhớ lại một kỷ niệm vui:
"Chúng tôi họp bàn về việc thay đổi cách làm kinh tế nông nghiệp. Lúc đó, có một cán bộ nông nghiệp nóng vội nên phát biểu hơi nhanh "trồng cây nhớ kẻ ăn quả". Tuy sự nhầm lẫn đó có hơi buồn cười, nhưng ngẫm lại câu nói ấy là đúng trong thị trường hiện tại".
Theo ông Tiến, quan điểm trước đây người tiêu dùng phải biết ơn người trồng cây. Tuy nhiên, giờ chính người nông dân mới phải biết ơn người ăn quả, biết ơn thị trường thay vì chờ đợi người tiêu dùng "biết ơn" mình.
Bằng cách chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, người nông dân đẩy mạnh chuỗi xúc tiến thương mại với các giống ăn quả. Tại đó, nông dân không thuần túy bán nông sản mà tập trung cung cấp một chuỗi giá trị, tạo ra nền kinh tế trải nghiệm cho khách hàng.
Bên cạnh cung cấp các giá trị dinh dưỡng, kinh tế nông nghiệp tập trung tạo ra giá trị về mặt cảm xúc như môi trường, văn hóa, bảo tồn giá trị truyền thống…
Khẳng định đây là những xu hướng người tiêu dùng sẽ quan tâm, ông Tiến cập nhật hai kênh thương mại điện tử phổ biến hiện nay là sàn giao dịch thông thường như Shopee và đẩy mạnh mua sắm nhờ cảm xúc (shoppertainer) thông qua livestream, clip ngắn trên TikTok.
Ưu tiên mua sắm ở kênh thứ 2, ông Tiến cho biết những doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng việc sản xuất clip kể về quá trình sản xuất, tích hợp đa giá trị vào ngành hàng nông sản và tạo sự gắn kết giữa các chủ thể là người sản xuất và người tiêu dùng.
"Khi nghe tới trà shan tuyết, các bạn KOL, KOC (người ảnh hưởng) không hình dung được trà shan tuyết như thế nào, có người phải giải thích trà shan tuyết không phun thuốc trừ sâu, hay hóa chất", ông Tiến đưa ra ví dụ cho thấy khách hàng còn lạ lẫm với loại trà này.
Từ sự tò mò của khách hàng, ông Tiến nhận ra một hướng đi mới. Người nông dân có thể kể những câu chuyện về trà shan tuyết, bán bằng giá trị văn hóa, truyền thống và đặc trưng của nó thay vì đặt cạnh các đặc sản khác trên sàn thương mại điện tử. Theo ông, khi nhận về các giá trị mang lại cảm xúc, người tiêu dùng sẽ cảm thấy vui vẻ với mức giá bỏ ra.
Một giải pháp điển hình để thương mại hóa nông nghiệp là chuỗi câu chuyện "Cây xoài nhà tôi" trên TikTok. Có khoảng 20 tỉnh trên cả nước triển khai truyền thông với các loại cây khác nhau như xoài, vú sữa, bưởi… để người xem thấy được cách người dân vun trồng, chăm bón cây ăn quả.
Qua những clip đó, người xem sẽ thấy được quá trình sản xuất hữu cơ, sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Xuất hiện trên clip là những người nông dân chân thật, chân lấm tay bùn, nói giọng địa phương tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc cho người xem.
"Tôi bảo các bác nông dân đừng trang điểm nhiều, mặc quần áo như các bạn bán hàng đô thị. Cứ mạnh dạn, chân chất, chân lấm tay bùn, "xấu xấu bẩn bẩn" thì càng tạo được cảm xúc với người xem, càng bán chạy", ông Tiến bật mí bí quyết giữ chân người xem.
Số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2023 đạt 53 tỷ, thị trường quốc tế phục hồi tốt. Đầu năm nay, giá trị nông sản VN xuất khẩu đạt 24,1 tỷ, tăng 14% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. cả thế giới chưa từng chứng kiến nền nông nghiệp lớn tăng trưởng mạnh
Theo ông Tiến, những con số trên là tín hiệu khả quan cho thấy kinh tế thế giới phục hồi tốt. Con số 3,83% được coi là ở mức "kỷ lục" khi cả thế giới chưa từng chứng kiến tốc độ tăng trưởng nông nghiệp nào mạnh tới vậy.
Sầu riêng là loại cây ăn trái đặc trưng được trồng ở khu vực miền Nam. Ít ai ngờ được, loại cây ăn trái này lại tiêu thụ tốt ở thị trường tỷ dân Trung Quốc, được kỳ vọng là cơn sốt mới bùng nổ kinh tế cho các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là nước được hưởng lợi.
Ông Tiến cho biết, trước đây chỉ có Malaysia, Indonesia và Thái Lan phát triển sầu riêng lâu đời. Ở Việt Nam, sầu riêng được trồng trên dưới 20 năm chủ yếu là ăn chơi. Những năm gần đây, loại cây ăn trái này mới được tập trung đẩy mạnh.
Trong 5 năm vừa qua, Bộ Nông nghiệp thống kê 152 nghìn hecta sầu riêng đã được trồng. Dự kiến năm nay, Việt Nam sẽ đạt sản lượng 1,2 triệu tấn. Trong năm 2022, giá trị sản lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 200 triệu USD. Con số này vào năm 2023 đã đạt mức 2,3 tỷ USD.
"Chúng tôi ước tính giá trị sản lượng năm nay đạt 3-4 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng còn nhanh hơn cả vàng", ông Tiến cho hay.
Chính vì cơn sốt "sầu riêng" bùng nổ mạnh mẽ, nhiều nông dân trồng sầu riêng tại Việt Nam nhanh chóng "phất lên" trở nên giàu có. Giá sầu riêng tăng 15 lần trong 10 năm qua do cung không đủ cầu khiến người nông dân Việt Nam hái được bộn tiền.
"Người nông dân sầu riêng rất giàu, giàu hơn rất nhiều người trong chúng ta. Trồng sầu riêng 2-3 ha, một năm có thể thu về vài tỷ", ông Tiến cảm thán, cho thấy thị trường sầu riêng còn rất nhiều dư địa tăng trưởng.
Thanh Huyền