Trong series podcast Chapter0 của Rising Vietnam mới đây, chị Hà An Phạm, Co-founder & CMO của thương hiệu thời trang công sở nữ VAD đã đưa ra những chia sẻ thẳng thắn về ngành thời trang tại Việt Nam – một "thị trường đỏ" đầy cạnh tranh với rất nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. VAD nằm ở phân khúc tầm trung, khách hàng thường trả 1,5 – 2,5 triệu đồng cho một set đồ.
Trước câu hỏi về tiềm năng khi tham gia thị trường thời trang Việt Nam, chị Hà An đánh giá bất kỳ phân khúc nào cũng có cơ hội và thách thức, quan trọng là đội ngũ sáng lập có vốn ban đầu là gì, phù hợp với cái nào, đặt niềm đam mê và sứ mệnh ở đâu. Từ đó sẽ giúp xác định cạnh tranh ở phân khúc nào mình sẽ có lợi thế hơn.
"Có một thời rộ lên làm local brand (thương hiệu trong nước) rất nhiều và mọi người bán với giá rất cao. Nhưng câu chuyện ở đây là gì? Bạn có biết tại sao Taobao lại thắng thế ở Việt Nam không? Vì khi mặc quần áo mua trên đó, người mặc không đại diện cho điều gì, không có sự tự hào nào, thì họ sẽ chọn thứ phù hợp với túi tiền.
Tôi nói thật, đồ local brand đôi khi làm không bằng đồ nước ngoài. Công xưởng của họ rất lớn, kinh nghiệm lại dày dặn hơn mình, tất nhiên chất lượng sản phẩm đôi khi tốt hơn. Mình phải thừa nhận việc đấy", Co-founder của VAD thẳng thắn.
Chị chỉ ra rằng đồ thời trang trên Taobao thực sự có mẫu mã đẹp hơn, vận chuyển nhanh chóng, giá cả tốt, nên vấn đề ở đây là tại sao khách phải lựa chọn mua những đồ giá cao hơn, mà chưa chắc đem lại cho họ những giá trị khác. Bên cạnh đó, chị còn hé lộ một "bí kíp" của nhiều local brand là tìm những mẫu "hot" nhất trên Taobao và 1688, làm ra sản phẩm na ná rồi bán ở thị trường Việt Nam.
"Vậy tại sao người ta không mua hàng chính gốc mà phải mua cái gần giống thế? Giá vừa cao hơn, chất lượng chưa chắc tốt hơn. Tôi nghĩ đó là cái "chết" của local brand. Mọi người luôn nói rằng đã nghiên cứu rất kỹ, nhưng là nghiên cứu thứ người khác đã làm tốt rồi làm lại tương tự. Giá thì cao hơn, câu chuyện cũng không quá đặc sắc", chị Hà An đánh giá.
Về lời khuyên cho những người mới bắt đầu kinh doanh thời trang, chị Hà An cho biết đầu tiên phải xác định mô hình kinh doanh là gì, có muốn tự sản xuất hay không. Nếu tự sản xuất, trước hết nên nghiên cứu, am hiểu sơ qua về thị trường, ít nhất là biết xu hướng thời trang hiện nay là gì và xác định được khách hàng mục tiêu.
Thêm vào đó, chị cho rằng điều quan trọng nhất là dành thời gian tìm hiểu về con người, những người xung quanh mình.
"Khi hiểu được về cách sống của người khác, của một tệp người trong xã hội, bạn sẽ hiểu gu thẩm mỹ của người ta là gì, họ sẽ gặp những ai và với cộng đồng của họ thì như thế nào là đẹp. Muốn hiểu về con người và thế giới xung quanh thì phông văn hóa phải tốt và có kiến thức nền về xã hội.
Làm thời trang cũng nên có vốn sống nhiều hơn, để hiểu quan niệm về cái đẹp và sự tự tin đối với từng con người, từng cộng đồng được diễn giải như thế nào. Còn kiến thức về thời trang, tôi nghĩ hiện nay có thể tìm hiểu tương đối dễ. Kiến thức miễn phí ở khắp nơi, quan trọng là năng lực đánh giá khi tiếp cận những thứ đó", Co-founder của VAD chia sẻ.
Dưới góc nhìn của một CMO, chị Hà An còn chỉ ra cách làm marketing thông thường trong ngành thời trang là tập trung chụp một bộ ảnh thật đẹp, sau đó đổ tiền chạy quảng cáo thật nhiều rồi xem tỷ lệ chuyển đổi.
"Với tôi thì đó chỉ là bán quần áo, không phải làm thời trang. Cách làm marketing chính xác hơn một chút, hay có thể nói là mới hơn: thứ nhất là mình đọc được insight ngầm, thứ hai là những người như vậy có thói quen gì trong cuộc sống. Bây giờ để bán một sản phẩm thời trang không phải chỉ bán cái áo không, mà còn là bán câu chuyện đi theo cái áo đấy.
Cách VAD làm là ra podcast, workshop. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là khi khách mặc bộ quần áo đó lên người, họ sẽ cảm thấy tự hào vì thương hiệu đấy đại diện cho việc gì, có giúp đỡ nhu cầu gì của khách hàng hay không.
Tại sao lại là podcast? Thứ nhất là mọi người đang có xu hướng quan tâm đến hình thức đó nhiều hơn. Thứ hai, những người thành công sẽ có sự bình an trong tâm để dành thời gian lắng nghe người lạ trò chuyện", chị Hà An phân tích.
Minh Anh