Từ khu Đông đến khu Tây, doanh nghiệp liên tục bung hàng, thị trường bất động sản phía Nam “sang trang mới” vào cuối năm?

Nếu khu Đông Tp.HCM chào sân loạt dự án căn hộ thì khu Tây lại nghiêng về nguồn cung nhà phố, biệt thự, villa gây chú ý. Trong đó, các thông tin hạ tầng và quy hoạch sáp nhập trở thành động lực của thị trường bất động sản các khu vực.

Bung hàng "bám sóng" thị trường

6 tháng cuối năm được xem là giai đoạn "tăng tốc" của doanh nghiệp địa ốc phía Nam. Khá nhiều đơn vị cùng lúc triển khai kế hoạch kinh doanh, đưa sản phẩm ra thị trường. Ở một giai đoạn đặc biệt khi mô hình chính quyền mới bắt đầu hoạt động từ ngày 1/7/2025, động thái bung hàng của doanh nghiệp bất động sản thể hiện niềm tin vào thế vận mới với những kì vọng sáng sủa ở giai đoạn sắp tới.

Gần đây, nếu khu Đông Tp.HCM ghi dấu với loạt dự án căn hộ thì khu Tây lại nghiêng về dòng sản phẩm nhà phố, biệt thự, villa trong các khu đô thị. Đây cũng là phân khúc chủ đạo tại khu vực này suốt nhiều năm qua. Sức cầu ghi nhận tích cực ở một số dự án được phát triển bởi các "ông lớn" địa ốc.

Chẳng hạn, dự án Eco Retreat của Eco Park rục rịch ra thị trường từ đầu năm 2025 và mới đây ghi nhận giao dịch hàng ngàn sản phẩm. Dự án có quy mô hơn 200ha, cung cấp hơn 7.700 sản phẩm bao gồm nhà phố, biệt thự, căn hộ và shophouse.

Hay mới đây, Nam Long cho biết, đơn vị sắp ra mắt phân khu mới hạng sang The Pearl thuộc Khu đô thị Waterpoint 355ha. Trước đó, các phân khu của KĐT này ra mắt ghi nhận giao dịch khá tích cực.

Trước đó không lâu, dự án Vinhomes Green City quy mô gần 200ha của Tập đoàn Vingroup gây chú ý tại thị trường khu Tây Tp.HCM. Chỉ sau khoảng thời gian ngắn bung thị trường, KĐT ghi nhận hàng ngàn booking được thực hiện với các sản phẩm nhà phố. 

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn từng nhấn mạnh, sự xuất hiện dự án của Tập đoàn Vingroup đánh dấu bước chuyển động mới cho thị trường khu Tây với làn sóng giãn dân dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.

Từ khu Đông đến khu Tây, doanh nghiệp liên tục bung hàng, thị trường bất động sản phía Nam “sang trang mới” vào cuối năm?
- Ảnh 1.

Một dự án khác là La Homes của Prodezi, từng vài đợt giới thiệu ra thị trường cũng nhận được sự quan tâm khá ổn từ người mua. Dự án có quy mô hơn 100ha bao gồm nhà phố, shophouse và biệt thự.

Ngoài ra, một số dự án KĐT như Vinhomes Tân Mỹ, Vinhomes Cần Giuộc với quy mô hàng ngàn ha cũng sắp khởi động ra thị trường khu Tây, kì vọng sẽ tạo nên làn sóng quan tâm lớn trong giai đoạn sắp tới. Đặc biệt, ở bối cảnh sáp nhập tỉnh thành, hạ tầng đô thị được ưu tiên đầu tư càng tạo niềm tin cho người mua nhà vào thị trường sớm.

Thị trường bất động sản "sang trang mới" hậu sáp nhập?

Các động lực phát triển kinh tế, hạ tầng, làn sóng giãn dân và sáp nhập tỉnh thành đang hỗ trợ tích cực cho bức tranh thị trường bất động sản phía Nam nói chung, khu Tây Tp.HCM nói riêng.

Theo phân tích của các chuyên gia, các tỉnh thành sau khi sáp nhập sẽ có quy mô về diện tích, dân số tương đối lớn. Quy mô kinh tế và nguồn lực ngân sách dồi dào, cho phép thuận lợi hơn trong phát triển các dự án hạ tầng, tiện ích trên địa bàn.

Riêng đối với thị trường bất động sản nhà ở đã ghi nhận sự sôi động và xu hướng tăng giá rõ rệt trước thông tin sáp nhập. Sắp tới, khi bộ máy chính quyền mới hình thành, tinh gọn sẽ gia tăng năng lực và chủ động ngân sách. Đồng thời, vị trí địa lý được khai thác hiệu quả và hạ tầng liên kết được tăng cường. Từ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, tác động trực tiếp đến nhu cầu nhà ở và mặt bằng giá bất động sản.

Mới đây, Ủy ban thường vụ hai tỉnh Long An và Tây Ninh đã thống nhất thời điểm hợp nhất các tổ chức, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh mới (mang tên Tây Ninh) đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025. Việc sáp nhập tỉnh Tây Ninh và Long An dự kiến sẽ tạo ra một động lực phát triển mới cho khu Tây Tp.HCM, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.

Trước nay, Long An vốn là khu vực có lợi thế phát triển về công nghiệp, hạ tầng giao thông và các dự án khu đô thị quy mô lớn. Trong khi, Tây Ninh có tiềm năng về phát triển du lịch. Việc sáp nhập này tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới trong các lĩnh vực như nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ và du lịch.

Từ khu Đông đến khu Tây, doanh nghiệp liên tục bung hàng, thị trường bất động sản phía Nam “sang trang mới” vào cuối năm?
- Ảnh 2.

Hạ tầng đẩy mạnh đầu tư hậu sáp nhập kì vọng tạo cơ hội cho thị trường BĐS ở giai đoạn mới. Ảnh minh họa

Cùng với đó, hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ là cơ sở để khu vực này trở thành trung tâm giao thương, sản xuất, dịch vụ mới, với năng lực cạnh tranh cao. Trong đó, Vành đai 3 dài hơn 76km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, đang được đẩy mạnh thi công, dự kiến sẽ hoàn thành và thông xe trong năm 2026. Vành đai 4 dài 207km, qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đang trình Quốc hội xem xét.

Ngoài các tuyến vành đai, Tây Ninh mới còn sở hữu mạng lưới đường cao tốc kết nối liên vùng như: cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành, Đức Hòa - Chơn Thành đang gấp rút thi công.

Đặc biệt tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đóng vai trò là trục kết nối vùng biên giới Tây Nam với vùng lõi kinh tế phía Nam sẽ được khởi công trong tháng 9 tới đây và dự kiến thông xe vào năm 2027. Trong tương lai, cao tốc Mộc Bài - TP.HCM sẽ tiếp tục được kéo dài hòa vào trục xuyên Á, mở ra hành lang thương mại Campuchia - Việt Nam - cảng biển quốc tế.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, các dự án hạ tầng giao thông có vai trò đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển mang tính đột phá nhờ khả năng kết nối thuận tiện, tạo ra khởi đầu mới, khơi dậy tiềm năng phát triển của địa phương. 

Một khi hạ tầng giao thông được đẩy mạnh triển khai, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch dân cư, chuyển dịch đất đai, phát triển thêm những khu vực mới, tạo tiền đề cho phát triển bộ mặt đô thị, tạo động lực cho sự phát triển thị trường bất động sản của một địa phương. Điều này không chỉ đúng với Long An (nay là Tây Ninh mới), mà còn đúng với các địa phương khác trên cả nước.

Cùng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho rằng, hậu sáp nhập, bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội thì mạng lưới cơ sở hạ tầng đã và đang làm thay đổi cục diện thị trường bất động sản. Một số khu vực vệ tinh Tp.HCM nhờ động lực từ hạ tầng giao thông đã thành công trong việc kéo dân, thu hút người mua về ở tại các dự án khu đô thị quy mô. Điều này khiến sức cầu tăng trưởng ở các dự án.

Theo ông Tuấn, việc kết nối dễ dàng giữa các khu vực đã tác động đến hành vi "xuống tiền" của người mua. Trong tương lai, khi hạ tầng tiếp tục được đầu tư mở rộng, xu hướng giãn dân gia tăng, cơ hội cho bất động sản vùng lân cận Tp.HCM còn lớn. Đây sẽ là xu hướng trong tương lai của thị trường địa ốc giữa bối cảnh việc phát triển không gian đô thị mở rộng dần ra các vành đai và tỉnh lân cận ngày càng mạnh mẽ.

Hạ Vy

Nguyễn Đức Hải

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/tu-khu-dong-den-khu-tay-doanh-nghiep-lien-tuc-bung-hang-thi-truong-bat-dong-san-phia-nam-sang-trang-moi-vao-cuoi-nam-205250701000546936.htm