"Từ ngày 1/7, sẽ không có chuyện người dân nói rằng tôi đang ngủ mà bị đánh cắp hàng trăm triệu đồng trong tài khoản"

Kể từ ngày 1/7, chủ tài khoản phải thực hiện xác thực sinh trắc học khi thực hiện chuyển khoản với giá trị trên 10 triệu đồng. Quy định này nhằm tránh lừa đảo chiếm đoạt trực tiếp tiền trong tài khoản của khách hàng.

Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng sẽ chính thức đi vào cuộc sống từ 1/7/2024. Tại talkshow diễn ra mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, thế giới và trong đó có Việt Nam đang đối mặt với tình trạng tội phạm công nghệ, xu hướng, phương thức ngày càng tinh vi. Một trong mục tiêu nhắm đến của tội phạm công nghệ là ngành tài chính ngân hàng. 

Theo ông Tuấn, thời gian vừa qua, NHNN phối với các các cơ quan liên quan và tổ chức tín dụng thường xuyên nghiên cứu các giải pháp đồng bộ để hạn chế, ngăn ngừa rủi ro gian lận lừa đảo đồng thời bảo vệ tài sản của người dân. Đến ngày 18/12/2023, NHNN ban hành Quyết định 2345 với mục tiêu lớn nhất là bảo vệ tài sản, bảo vệ chính chủ khi thực hiện giao dịch chuyển tiền, không làm hạn chế trải nghiệm của khách hàng. 

Các giao dịch thanh toán ở các đơn vị chấp nhận tin cậy đã được các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán xác thực sẽ không phải thực hiện sinh trắc học như thanh toán điện, nước, viện phí học phí. Để đảm bảo an toàn, nếu tổng mức giá trị thanh toán trên 100 triệu đồng, các giao dịch thanh toán tiếp theo sẽ được yêu cầu thực hiện sinh trắc học. "Chúng tôi tính toán, chi tiêu thanh toán trung bình trong 1 ngày của 1 cá nhân khó vượt qua 100 triệu đồng", ông Toán cho biết.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, nếu chuyển tiền, các giao dịch với hạn mức trên 10 triệu sẽ phải xác thực sinh trắc học. Nếu khoản tiền nhỏ lẻ, khi cộng tổng chuyển tiền trong ngày trên 20 triệu đồng thì giá trị vượt 20 triệu đó sẽ phải thực hiện sinh trắc học. Điều này vừa đảm bảo trải nghiệm liền mạch của khách hàng và đồng thời đảm bảo sự an toàn cho khách hàng. Khách hàng sẽ không phải lo lắng bị mất tiền khi thực hiện chuyển tiền ngân hàng. Nếu trong trường hợp xấu nhất, khi không có xác nhận chính chủ thì khoản tiền đó sẽ không được thực hiện.

"Khách hàng không phải lo lắng bị chiếm đoạt tài sản hay thực hiện chuyển tiền sẽ mất hết tiền gửi trong ngân hàng. Trong trường hợp như tôi vừa nói, nếu không có xác thực chính chủ thì khoản tiền sẽ không được giao dịch", ông Tuấn nhấn mạnh. Và theo ông Tuấn, với Quyết định 2345, từ ngày 1/7, không có chuyện người dân nói rằng tôi đang ngủ mà bị đánh cắp hàng trăm triệu đồng trong tài khoản, hay tài khoản bốc hơi mà chủ tài khoản không biết.

Làm rõ hơn về vấn đề xác thực sinh trắc học, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, Quyết định 2345 yêu cầu, phải thu thập đối chiếu dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu lưu trong con chip của căn cước công dân được xác thực bởi Bộ Công an. Hoặc thông qua tài khoản định danh điện tử cấp độ 2 do Bộ Công an đối chiếu xác thực.

Thứ 3, trường hợp dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập từ trong con chip của căn cước công dân, các tổ chức trung gian thanh toán lưu lại làm cơ sở đối chiếu trong những lần thanh toán tiếp theo. Đối với khách hàng là người nước ngoài khi chưa được Bộ Công an triển khai định danh điện tử, sẽ được tạo điều kiện thu thập thông tin sinh trắc học tại quầy.

Với các khách hàng không có căn cước công dân gắn chip, sẽ phải ra quầy thực hiện giao dịch.

Thời gian vừa qua, một số ngân hàng liên tục thông báo khách hàng chủ động xác thực sinh trắc học bằng căn cước công dân gắn chip, để tránh gián đoạn giao dịch online giá trị lớn trong thời gian tới.

Để có thể xác thực sinh trắc học lần đầu theo Quyết định 2345, khách hàng có thể tự thao tác trên ứng dụng ngân hàng. Quy trình này gồm ba bước: chụp ảnh mặt trước, sau của căn cước công dân; chạm căn cước công dân gắn chip vào đầu đọc chip trên điện thoại để truyền dữ liệu và cuối cùng là quét khuôn mặt.

Theo Đức Anh

Theo Đức Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/tu-ngay-17-se-khong-co-chuyen-nguoi-dan-noi-rang-toi-dang-ngu-ma-bi-danh-cap-hang-tram-trieu-dong-trong-tai-khoan-20515257.htm