Ảnh minh họa
Theo Oilprice, lợi thế giá rẻ từng khiến dầu thô Ural của Nga trở thành lựa chọn ưu tiên của các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đang nhanh chóng mờ nhạt, khi mức chiết khấu so với dầu Brent đang thu hẹp về mức thấp nhất kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào năm 2022.
Theo các nhà giao dịch, mức chiết khấu đối với dầu Ural giao tháng 8 cho Ấn Độ hiện chỉ còn 1,70–2 USD/thùng so với giá Brent đã định ngày – giảm từ mức 2 – 2,5 USD cho những lô hàng giao trong tháng 7 và thấp hơn đáng kể so với mức chiết khấu sâu từng được hưởng trong năm 2023 và đầu 2024.
Ba yếu tố chính đang đẩy giá dầu Ural tăng trở lại: nhu cầu cao từ Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, nguồn cung trên thị trường giao ngay giảm, và sản lượng nội địa của Nga sụt giảm do các nhà máy lọc dầu hoạt động trở lại sau thời gian ngưng trệ cũng như lịch bảo trì sắp tới tại dự án Sakhalin-1.
Trong bối cảnh đó, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đang phải đánh giá lại phương án nhập khẩu. Dù dầu Ural vẫn rẻ hơn các loại dầu khác trên thị trường giao ngay, nhưng mức chênh lệch không còn đủ lớn để bù đắp các chi phí khác. Một số nhà máy lọc dầu đã bắt đầu xem xét nhập khẩu dầu Murban của UAE hoặc dầu WTI của Mỹ—những loại dầu từng bị loại bỏ do giá cao hơn so với dầu Nga.
Việc khoảng cách giá thu hẹp cũng phản ánh chiến lược của Nga nhằm duy trì dòng chảy xuất khẩu bất chấp các lệnh trừng phạt. Bằng cách giữ giá dầu Ural dưới mức trần 60 USD/thùng do phương Tây áp đặt, Nga vẫn tiếp cận được các dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển quốc tế – yếu tố giúp giảm chi phí hậu cần. Đơn cử, chi phí vận chuyển dầu Ural từ cảng Baltic của Nga đến Ấn Độ trong tháng 4 giảm xuống còn 6 triệu USD mỗi chuyến, so với 7 triệu USD của tháng trước, nhờ sự gia tăng của đội tàu chở dầu tuân thủ quy định.
Tuy nhiên, rủi ro nguồn cung đang gia tăng. Một số nhà máy lọc dầu Ấn Độ được cho là không thể đảm bảo đơn hàng Ural cho tháng 8, phần lớn do các thỏa thuận dài hạn đã chiếm phần lớn sản lượng. Đáng chú ý, hợp đồng giữa Rosneft và Reliance Industries đã ràng buộc khối lượng lớn dầu Ural, khiến thị trường giao ngay thêm phần khan hiếm.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Ấn Độ đang xem xét xây dựng thêm ba kho dự trữ dầu chiến lược, nhằm củng cố an ninh năng lượng quốc gia. Động thái này phản ánh một thực tế mới: nguồn cung dầu Nga giá rẻ không còn đảm bảo dài hạn, và New Delhi cần đa dạng hóa kênh nhập khẩu cũng như mở rộng công suất dự trữ.
Ấn Độ hiện là khách hàng lớn nhất của Nga về dầu thô vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên với thị trường năng lượng toàn cầu biến động nhanh chóng, lợi thế chi phí không còn là yếu tố duy nhất trong bài toán chiến lược dài hạn.
Như Quỳnh
Nguyễn Đức Hải