Từng “vác bao tiền” đi săn đất, nhà đầu tư “tay to” phản ứng thế nào với thông tin Phú Quốc trở thành đặc khu trực thuộc tỉnh từ 1/7

Từ ngày 1/7, Phú Quốc trở thành đặc khu trực thuộc tỉnh An Giang sau quá trình sáp nhập Kiên Giang và An Giang. Liệu điều này có khiến thị trường BĐS nơi đây sục sôi trở lại như thời điểm của 8 năm về trước.

Từ loạt tin vui...

Theo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh được Quốc hội thông qua, hợp nhất Kiên Giang với An Giang, lấy tên là An Giang. Đặc khu Phú Quốc được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 phường, 6 xã của TP Phú Quốc, trụ sở đặt tại UBND TP Phú Quốc hiện tại.

Như vậy, Phú Quốc là một trong 3 đặc khu mới của tỉnh An Giang, bên cạnh đặc khu Thổ Châu và Kiên Hải từ 1/7. Điều này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của đảo ngọc, kì vọng mở ra cơ hội lớn cho vùng đất này.

Theo nghị quyết số 1654/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 "Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh An Giang năm 2025", đặc khu Phú Quốc có tổng diện tích hơn 589km2, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 2 phường Dương Đông, An Thới và 6 xã Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Dương, Bãi Thơm, Gành Dầu, Cửa Cạn của thành phố Phú Quốc cũ

Việc trở thành đặc khu giúp Phú Quốc có cơ hội áp dụng các cơ chế chính sách đột phá về đầu tư, tài chính và hành chính, từ đó thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.

Chính quyền đặc khu được trao quyền tự chủ cao hơn trong quản lý đất đai, xây dựng, an sinh xã hội… tạo điều kiện để tổ chức bộ máy hành chính gọn nhẹ, gần dân, sát thực tiễn, giải quyết hiệu quả các thủ tục, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Từng “vác bao tiền” đi săn đất, nhà đầu tư “tay to” phản ứng thế nào với thông tin Phú Quốc trở thành đặc khu trực thuộc tỉnh từ 1/7
- Ảnh 1.

Tỉnh An Giang định hướng phát triển Phú Quốc thành trung tâm kinh tế biển, đô thị thông minh và du lịch sinh thái bền vững; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thu hút nguồn lực đầu tư chất lượng cao. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: phát triển du lịch xanh, dịch vụ logistics biển, công nghệ cao, dịch vụ tài chính; đầu tư hoàn thiện cảng hàng không quốc tế, nâng cấp cảng biển, mở rộng hạ tầng giao thông đô thị và viễn thông; liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; quy hoạch không gian xanh, quản lý rác thải, phát triển năng lượng tái tạo và xây dựng khung pháp lý đặc thù cho mô hình đặc khu.

Trước đó không lâu, dự án sân bay Phú Quốc được duyệt nâng cấp để phục vụ Diễn đàn kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào 2027. Sự kiện Phú Quốc đăng cai APEC được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng về đầu tư, hạ tầng, du lịch, bất động sản cho đảo ngọc.

Theo quy hoạch trước đó, sân bay rộng hơn 1.050 ha, đạt tiêu chuẩn cấp 4E, cho phép tiếp nhận các loại máy bay thân rộng như Boeing 747, 787 hay Airbus A350. Sân bay được mở rộng nâng công suất từ 18 lên 20 triệu lượt khách mỗi năm, tăng tốc độ triển khai để hoàn thành trước quý 2/2027.

Hay mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang duyệt danh mục 40 dự án kêu gọi đầu tư, trong đó có nhiều khu đô thị tỷ USD. Danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong năm 2025 có quy mô gần 21.000 ha, tổng vốn hơn 226.700 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án hạ tầng, khu đô thị lớn tập trung ở Phú Quốc. Các thông tin này đang trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản khu vực.

....Đến phản ứng lạ giới đầu tư "tay to"

Nhiều người đặt câu hỏi, liệu thông tin Phú Quốc trở thành đặc khu của tỉnh có làm thị trường bất động sản nơi đây trở nên sôi động như cách đây 8 năm về trước. Đồng thời, những nhà đầu tư từng "vác bao tiền" xếp hàng dài đầu tư đất nền Phú Quốc liệu có cơ hội để "lấy lại những gì đã mất" sau cú trượt dài.

Còn nhớ, vào giai đoạn 2015-2018, thị trường Phú Quốc lên cơn sốt đất. Giá các lô đất biến động theo giờ/ngày. Chỉ trong vòng vài tháng, 1 lô đất có thể qua tay 5-7 đời chủ với mức giá tăng vọt bằng lần. Nhà đầu tư khắp nơi đổ về, xếp hàng dài mua bán khiến thị trường nơi đây sục sôi.

Thời điểm đó, những đai gia ba lô tiền mặt và các "cò đất" xuất hiện khắp nơi. Các điểm nóng như bãi Ông Lang (xã Cửa Dương), bãi Trường (xã Dương Tơ), Gành Dầu, Bà Kèo...giá đất tăng chóng mặt và giao dịch tiền tỉ diễn ra mỗi ngày. Tại các quán cafe, phòng công chứng không khó bắt gặp nhóm đầu tư phía Bắc và Tp.HCM vác bao tiền đặt cọc, sang tên liên tục. "Nhiều người đến Phú Quốc mang theo cả bao tiền mặt hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng mua đất như mua rau là không hiếm", một môi giới từng chia sẻ.

Theo số liệu từ văn phòng UBND huyện Phú Quốc, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, đã cấp giấy do nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, do biến động khác, chuyển mục đích sử dụng đất, bổ sung tài sản cho 2.407 thửa đất; chỉnh lý biến động 2.357 trường hợp; đăng ký thế chấp, xóa thế chấp quyền sử dụng đất và các loại điều chính, đính chính khác 3.091 trường hợp. Con số này đã nói lên mức độ khủng khiếp về sức nóng thị trường đất đai Phú Quốc giai đoạn 2015-2018.

Từng “vác bao tiền” đi săn đất, nhà đầu tư “tay to” phản ứng thế nào với thông tin Phú Quốc trở thành đặc khu trực thuộc tỉnh từ 1/7
- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, cơn sốt hạ nhiệt từ năm 2019, và đến nay chưa có dấu hiệu hồi phục. Nhiều nhà đầu tư chạy theo cơn sốt đất Phú Quốc, hiện vẫn chưa thể "về bờ".

Anh V, một nhà đầu tư (đang sống tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) cho biết, anh từng là "nạn nhân" chạy theo cơn sốt đất Phú Quốc và hiện dòng tiền vẫn chôn tại thị trường này một phần. Vào thị trường cuối năm 2017, anh và nhóm bạn "lướt sóng" thành công vài lô đất và sau đó mắc kẹt vì thanh khoản lao đốc. Suốt gần 8 năm đầu tư, anh vẫn chưa thể bán ra.

Từng bán đất tại Phú Quốc và hiện là môi giới tại Tp.HCM, anh Ph cho biết, kể từ sau khi vỡ bong bóng vào năm 2019, dòng tiền của nhiều nhà đầu tư vẫn nằm tại Phú Quốc. Thực chất, thời điểm đó giao dịch là những cuộc trao đổi đất từ người này sang người khác trong vòng xoáy tăng giá. Nhà đầu tư nào vào thị trường sớm, bán nhanh thì thắng. Nhà đầu tư nào vào sau chịu cảnh chôn dòng tiền. Đặc biệt, có khá nhiều nhóm đầu tư "tay to" tham gia thị trường và không phải ai cũng rút được khỏi thị trường sớm.

Theo những người trong cuộc, thông tin Phú Quốc trở thành đặc khu hậu sáp nhập tỉnh, thành sẽ có tác động đến tâm lý nhà đầu tư song không rõ nét. Sau thời gian dài lặng sóng, nhà đầu tư rút khỏi thị trường và chưa có dấu hiệu quay lại. Theo đó, sẽ rất khó để thị trường bất động sản nơi đây trỗi dậy nhanh chóng sau cú hích quy hoạch đặc khu. 

Ngay cả khi thời gian qua, khá nhiều thông tin tích cực về hạ tầng, sân bay hay siêu dự án xuất hiện cũng không khiến thị trường bất động sản khu vực này trở nên sôi động ngay tức thì. Tại ĐHCĐ mới đây, một doanh nghiệp địa ốc từng có quỹ đất tại Phú Quốc thừa nhận rằng, thị trường khu vực còn khá khó khăn. Những thách thức về thanh khoản vẫn còn hiện hữu.

Tuy nhiên, với nhà đầu tư "tay to" họ vẫn kì vọng sự tăng trưởng trong dài hạn tại thị trường Phú Quốc. Trong ngắn hạn, có thể Phú Quốc chưa phục hồi rõ nét, nhưng trong dài hạn, các thông tin về quy hoạch sẽ trở thành chất xúc tác tác động đến bộ mặt đô thị khu vực. Tiềm năng và cơ hội phát triển được dự báo khá tốt. 

Dẫu vậy, với nhà đầu tư muốn tham gia thị trường Phú Quốc ở thời điểm này cần tìm hiểu kỹ về tiềm năng, quy hoạch, pháp lý dự án trước khi đưa a quyết định.

Hạ Vy

Nguyễn Đức Hải

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/tung-vac-bao-tien-di-san-dat-nha-dau-tu-tay-to-phan-ung-the-nao-voi-thong-tin-phu-quoc-tro-thanh-dac-khu-truc-thuoc-tinh-tu-1-7-205250703235720509.htm