Ngày 1/3/2016, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Một trong những tuyến quan trọng nhất trong quy hoạch này là Cao tốc Bắc – Nam phía Đông (ký hiệu CT01).
Chiều dài theo quy hoạch ban đầu là 1.814km, sau đó được nâng lên 2.063km. Điểm đầu tại Cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối tại TP Cà Mau.
Tuyến đường hoàn thiện giúp kết nối Hà Nội với TP HCM một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn so với quốc lộ 1A. Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua 32 tỉnh thành phố, tác động trực tiếp tới 62,1% dân số toàn quốc (khoảng hơn 60 triệu người), đóng góp 65,7% GDP của Việt Nam, có ảnh hưởng đến 74% cảng biển và 75% khu kinh tế.
Tuyến đường này còn là cầu nối quan trọng giữa 4 vùng kinh tế trọng điểm của nước ta bao gồm Vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Vùng kinh tế trọng điểm miền Nam và Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, kết nối với 16 cảng hàng không với kết nối 91% lưu lượng hành khách thông qua dự án này.
32 tỉnh thành phố mà dự án đi qua bao gồm: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Pháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Cao tốc Bắc Nam phía Đông có quy mô từ 4-6 làn xe với các khu vực có địa hình khó khăn; từ 8-10 làn xe ở cửa ngõ các trung tâm kinh tế. Tốc độ trung bình tuyến 80- 100km/h, tối thiểu 60km/h, cao nhất 120km/h.
Trong tương lai, cao tốc Bắc Nam phía Đông được kỳ vọng là tuyến đường tạo động lực và sự lan tỏa rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hoá, tạo ra khả năng liên kết với phương thức vận tải hiện đại, góp phần hội nhập khu vực và quốc tế.
Toàn bộ quá trình tuyến cao tốc được chia làm nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn xây dựng tuyến nhỏ trong tuyến lớn. Giai đoạn 2017 – 2020, đầu tư 654km với tổng mức vốn 118.716 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 – 2025, đầu tư 729km với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng.
Hiện tại, ngành giao thông đã hoàn thành 1.050 km cao tốc Bắc Nam phía Đông. Đến năm 2025, tuyến cao tốc dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau dự kiến được nối thông.
Hiện tại, các đoạn tuyến đã đi vào hoạt động là Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn – QL45, QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn – Tuý Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Nha Trang – Cam Lâm, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, TP HCM – Long Thành - Dầu Giây, TP HCM – Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận.
Các đoạn đang triển khai bao gồm: Đoạn Hữu Nghị - Lạng Sơn, Diễn Châu – Bãi Vọt, Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Vũng Áng – Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh – Cam Lộ, Hòa Liên – Túy Loan, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh, Chí Thạnh – Vân Phong, Vân Phong – Nha Trang, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, cầu Mỹ Thuận 2, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau.
Diễn biến mới liên quan đến dự án, sáng 9/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ trong nhiệm kỳ này phải thông tuyến đường bộ cao tốc từ Bắc vào Nam tới Cà Mau và sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cao tốc tới tận mũi Cà Mau, thay vì TP Cà Mau như quy hoạch hiện nay (dự kiến khoảng 70 km nếu đi theo tuyến ngắn nhất, thẳng nhất).
Như vậy, trong tương lai, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông dự kiến sẽ còn dài hơn quy hoạch hiện tại là 2.063km.
Nhật Minh