Trong phiên giao dịch hôm nay 14/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD lên mức 24.290 đồng/USD, cao hơn 2 đồng so với ngày hôm qua.
Tại hệ thống các ngân hàng thương mại, giá mua USD thấp nhất ở mức 25.140 VND/USD, giá mua cao nhất ở mức 25.190 VND/USD, tăng 10 đồng so với hôm qua. Ở chiều bán ra, giá bán USD được hầu hết các ngân hàng niêm yết ở mức kịch trần là 25.504 đồng/USD.
Bình luận về diễn biến tăng liên tục của tỷ giá USD/VND thời gian gần đây, TS. Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng Khoa Tài chính-Ngân hàng, Đại học Đại Nam cho hay: "Từ khi đắc cử Tổng thống, ông Trump đã tuyên bố theo đuổi chính sách đồng USD mạnh. Tuy chưa thực sự điều hành chính sách kinh tế nhưng tuyên bố của ông ngay lập tức được thị trường phản ứng qua việc chỉ số đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF)" đã tăng lên mức cao nhất trong một năm qua so với các loại tiền tệ chính vào phiên giao dịch hôm nay, hiện ở mức 106,594 điểm.
"Rõ ràng là, việc tăng tỷ giá sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp nhập khẩu trong trường hợp vay USD thì chịu thua lỗ bởi rủi ro tỷ giá. Nếu nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để sản xuất thì chi phí sản xuất sẽ cao hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn nhưng lợi ích này cũng sẽ giảm trong trung và dài hạn", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Dự báo về diễn biến tỷ giá USD/VND trong thời gian tới, ông Nam đưa ra quan điểm: "Tính từ đầu năm đến ngày 08/11/2024, tỷ giá USD/VND tăng gần 4,4%, sau đó tiếp tục tăng thêm khoảng gần 0,15% tính đến ngày 14/11/2024. Nếu biên độ tỷ giá chỉ được phép dao động +/- 5% thì dư địa biến động tỷ giá còn khoảng 0,45%. Tôi cho rằng áp lực tỷ giá vẫn sẽ còn tăng tương đối cao trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12".
Cũng theo ông Nam, việc ổn định tỷ giá sẽ phụ thuộc vào cung cầu thực tế trên thị trường ngoại hối. Ngoài ra còn phụ thuộc vào mức độ đô la hóa của nền kinh tế. Thực tế cho thấy giai đoạn hiện nay nền kinh tế Việt Nam chịu mức độ vàng hóa cao hơn đô la hóa khá nhiều nên yếu tố này không đáng quá quan ngại.
Vị này phân tích thêm: "Hơn nữa, tỷ giá và lãi suất có mối quan hệ gián tiếp do các nhân tố hình thành nên tỷ giá và lãi suất khác nhau. Thuyết ngang giá lãi suất cho rằng khi giá đồng USD tăng, để tạo cân bằng trên thị trường ngoại hối, SBV sẽ chủ động tăng lãi suất của đồng nội tệ. Và ngược lại, khi đồng USD giảm giá thì mức lãi suất tiền Việt sẽ được điều chỉnh giảm xuống.
Với cách tiếp cận như vậy, nếu tỷ giá vượt qua biên độ cho phép vào một thời điểm nào đó từ giờ đến cuối năm, ông Nam cho rằng NHNN sẽ bán USD để kéo tỷ giá về mức mong muốn. Quy mô của dự trữ ngoại hối đủ nhiều để thực hiện động thái chính sách này. Sau đó áp lực sẽ giảm dần do dòng kiều hối chảy về trong nước khi cận kề tết dương lịch và nguyên đán.
Tóm lại, áp lực biến động tỷ giá là tương đối lớn nhưng vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN. Có điều khi điều hành nền kinh tế theo các kịch bản phát triển trong năm 2025, chúng ta có thể phải chấp nhận dựa trên một "mặt bằng tỷ giá mới".
Tùng Lâm
Nguyễn Đức Hải
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ty-gia-usd-vnd-lap-ky-luc-moi-chuyen-gia-noi-gi-205241114144305966.htm