Trong chương trình Work Life with Adam Grant của nhà tâm lý học Adam Grant (Mỹ), tỷ phú Richard Branson người Anh đã kể về “sai lầm đáng nhớ nhất sự nghiệp”. Chúng đã dạy ông bài học quan trọng, đó là luôn coi mình ở thế yếu.
“Mọi người khá thích những người thua thiệt. Không phải lúc nào họ cũng muốn là người hiểu biết và luôn thành công đâu”, ông nói và cho biết mình học được điều này từ một thất bại trong kinh doanh. Đó là khi Virgin Group - tập đoàn do Branson sáng lập - ra mắt thương hiệu nước có gas Virgin Cola năm 1994.
Sau thành công ban đầu ở Anh, công ty này quyết định mở rộng sang Mỹ, thách thức hai gã khổng lồ Coca-Cola và Pepsi. Để kỷ niệm việc Virgin Cola ra mắt tại Mỹ, Branson thậm chí lái một chiếc xe đâm đổ bức tường làm bằng các vỏ lon Coke và Pepsi tại Quảng trường Thời đại năm 1998.
Tuy nhiên sau đó, Virgin Cola bắt đầu biến mất khỏi các kệ hàng. Branson nghi ngờ Coca-Cola đã đưa ra đề nghị mà “các hãng bán lẻ không thể từ chối”.
Kết quả, sau vài năm, Virgin Cola lặng lẽ rút lui khi Branson nhận ra thị trường duy nhất mà thức uống này chiếm thị phần số 1 là Bangladesh.
“Thực ra đây cũng là một hành trình rất vui vẻ. Việc này không khiến Virgin Group thiệt hại chút nào”, ông nói với Grant và cho biết thương vụ giúp Virgin Group “giành được nhiều thiện cảm” hơn như “một người ở thế yếu” đứng bên cạnh các gã khổng lồ.
Trên thực tế, Virgin Group không phải một người tí hon ở thời điểm đó. Đây là tập đoàn đa ngành, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, xuất bản sách, video game và hàng không. Mức độ thành công của các lĩnh vực này khác nhau, song đẩy tên tuổi cho Virgin Group cũng như sự giàu có của Branson.
Branson luôn được đánh giá là một doanh nhân rất thành công. Ông bỏ học năm 16 tuổi để thành lập tạp chí của riêng mình. Vài năm sau, ông chuyển sang lĩnh vực thu âm và đặt nền móng cho hãng đĩa Virgin Records. Năm 23 tuổi, Branson đã kiếm được 1 triệu USD và đến thời điểm hiện tại, tổng khối tài sản đã tăng lên 2,6 tỷ USD, theo Forbes.
Mỗi lần lấn sân lĩnh vực khác, Virgin Group đều tìm cách mới để cạnh tranh với các đối thủ dẫn đầu. “Chúng tôi không bao giờ coi Virgin là công ty lớn, mà chỉ như một kẻ ở thế yếu thôi. Chúng tôi khá thích cách tiếp cận này”, ông cho biết trên CNBC. Thay vì tập trung vào thị phần và lợi nhuận, ông luôn hỏi bản thân 2 câu: “Nếu mình tạo ra thứ này, nó có tốt hơn những gì mọi người đang làm không?” và “Liệu nó có thể giúp thế giới trở nên khác biệt?”.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc đặt mình ở thế yếu có thể mang lại lợi ích. Ví dụ, những nhân viên tin rằng mình không thể thăng tiến thì lại có khả năng được đánh giá cao, theo nghiên cứu năm 2020 của Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania.
Theo: CNBC
Cộng tác viên
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ty-phu-nguoi-anh-chia-se-bi-quyet-thanh-cong-hay-luon-coi-minh-la-ke-yeu-205242107094716834.htm