Mới đây, trên thị trường xuất hiện hình thức “chứng khoán hóa” bất động sản để bán cho nhà đầu tư với mệnh giá chỉ từ 10.000 đồng.
Cụ thể, Công ty cổ phần Fnest bắt đầu cung cấp dịch vụ đầu tư bất động sản chia nhỏ thông qua ứng dụng SmartOne của Công ty CP Chứng khoán VPS.
Theo đó, mỗi bất động sản được định giá và quy đổi ra số cổ phần có thể bán cho nhà đầu tư sơ cấp bằng đơn vị là Fnest, 1 Fnest tương đương 10.000 đồng.
Với mô hình này, Fnest quảng cáo "ai cũng có thể tham gia đầu tư với số vốn chỉ 10.000 đồng" và không cần lo lắng về việc cho thuê hay rao bán bất động sản bởi đơn vị này sẽ hợp tác với tác với công ty quản lý để tối ưu hóa hiệu quả vận hành. Số tiền thuê cũng có thể được chia cho nhà đầu tư hàng tháng theo tỷ lệ tương ứng mức cổ phần sở hữu.
Theo tìm hiểu, Fnest giới thiệu 9 bất động sản gồm các công trình căn hộ, shophouse, biệt thự ở Hà Nội, TPHCM. Khách hàng có tài khoản VPS đều có thể tham gia đầu tư các căn hộ trên, với số vốn chỉ từ 10.000 đồng.
Fnest cho biết các bất động sản được định giá bởi công ty thẩm định có uy tín trên thị trường và cũng có đầy đủ giấy tờ pháp lý, đảm bảo không có tranh chấp, kiện tụng. Đồng thời, các tài sản này cũng được định giá lại 3 tháng một lần. Nếu trong trường hợp định giá bất động sản tăng lên, thì giá trị số Fnest của nhà đầu tư nắm giữ cũng tăng theo.
Khi bất động sản được bán, lợi nhuận sẽ được chia đều lại cho các các nhà đầu tư dựa theo số lượng Fnest nắm giữ.
Liên quan đến mô hình đầu tư này, tại họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính ngày 18/6, ông Bùi Hoàng Hải - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - cho biết pháp luật chứng khoán hiện chưa có quy định cụ thể nào về phương thức đầu tư bất động sản này.
Đồng thời, ông Hải cũng cho biết đơn vị này đã yêu cầu Chứng khoán VPS dừng phân phối sản phẩm này.
“Thị trường nước ngoài có quy định cụ thể để kiểm soát, hạn chế rủi ro từ loại hình kinh doanh này nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đã nắm thông tin, đánh giá đây là loại hình khá nhiều rủi ro và yêu cầu VPS dừng phân phối sản phẩm này", ông Hải nói.
Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo đối với Ủy ban Chứng khoán. Ông Chi khẳng định hiện pháp luật chưa có quy định cấm, nhưng trên góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước thì UBCK có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ các hoạt động của các công ty chứng khoán.
"Việc cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp này phải nằm trong lĩnh vực và ngành nghề được cấp phép kinh doanh. Nếu nằm ngoài phạm vi này thì sẽ phải dừng lại để cấp quản lý có những đánh giá toàn diện", ông Chi nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu, CTCP Fnest thành lập từ tháng 11/2022 với số vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.
Trên website chính thức, Công ty đưa ra tầm nhìn trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư bất động sản ứng dụng công nghệ hiện đại. Đội ngũ nhân sự Fnest có nhiều năm kinh nghiệm, am hiểu về kinh doanh bất động sản, công nghệ và tài chính.
Hiện Fnest chỉ hợp tác và triển khai thông qua ứng dụng của VPS ngoài ra, chưa có ứng dụng riêng biệt hay kênh phân phối qua các nền tảng nào khác.
Công ty có 3 cổ đông sáng lập gồm: Cổ đông Phạm Thị Phương Hiền (sinh năm 1997) có phần vốn góp lớn nhất 29,4 tỷ đồng, chiếm 98% vốn. Hai người còn lại là Ngô Thị Phương Thảo (sinh năm 1993) và Nguyễn Phương Lan (sinh năm 1994) mỗi người góp 300 triệu đồng.
Bà Hiền ban đầu cũng đứng tên người đại diện pháp luật và đồng thời là giám đốc của Công ty.
Tới tháng 3/2024, Công ty thay đổi người đại diện pháp luật và giám đốc sang bà Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1998). Ở thời điểm này, số lao động của Công ty là 10 người.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ubcknn-yeu-cau-chung-khoan-vps-dung-mo-hinh-dau-tu-bat-dong-san-chia-nho-chi-tu-10000-dong-20516463.htm