Khảo sát biểu lãi suất tiết kiệm, hơn chục ngân hàng đã tăng lãi suất huy động so với hồi tháng 4. Đợt tăng lãi suất tiết kiệm này ghi nhận chủ yếu tại các nhà băng nhiều nhà băng tư nhân, song, vắng bóng nhóm ngân hàng quốc doanh.
Techcombank là nhà băng mới nhất công bố tăng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn. Với nhóm kỳ hạn ngắn, thống qua sản phẩm Tiền gửi phát lộc online, ngân hàng đang áp dụng lãi suất 2,55-2,9%, tức tăng thêm 0,3 điểm % cho kỳ hạn 1-2 tháng. Ở kỳ hạn 3-5 tháng, lãi suất tăng thêm 0,4 điểm % lên 2,95 – 3,3%/năm. Ngân hàng này cũng đồng thời tăng thêm lần lượt 0,3 và 0,1 điểm % lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6-11 tháng và 12-36 tháng.
Trong nhóm 10 ngân hàng tính theo giá trị tổng tài sản, Sacombank, ACB và VIB cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm ngay ngày đầu tháng 5.
Trong đó, Sacombank tăng thêm 0,3 điểm phần trăm với kỳ hạn 6-11 tháng. Còn nếu gửi tiền kỳ hạn dài từ 12-36 tháng, người gửi được tăng 0,2% điểm phần trăm lãi suất. Cụ thể. lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng mới nhất là 4%/năm, kỳ hạn 7-8 tháng 3,9%/năm, kỳ hạn 9 tháng 4,1%/năm và kỳ hạn 10-11 tháng 3,9%/năm.
Theo biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất, ACB tăng 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn 1 - 3 tháng đối với tất cả các mức tiền gửi.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng vừa và nhỏ cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm ngay đầu tháng 5 như Bac A Bank, GPBank, NCB, BVBank, CBBank. Đơn vị tăng lãi suất mạnh nhất là CBBank với mức tăng 0,9%, áp dụng cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hay Oceanbank là nhà băng điều vừa điều chỉnh lãi suất tăng và giảm tùy vào thời hạn.
Lãi suất tiết kiệm các ngân hàng tăng trở lại trong bối cảnh tiền tiền đang "chảy" ra khỏi hệ thống ngân hàng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%. Trong khi đó, dư nợ tín dụng tại nhiều nhà băng có dấu hiệu "ấm" dần lên.
Sự vận động trái chiều giữa huy động và tín dụng khiến nhiều băng rục rịch tăng lãi suất huy động để cân đối nguồn vốn. Theo báo cáo của Chứng khoán MB (MBS), thời điểm giữa và cuối 2024 cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh.
"Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại sẽ có thể nhích thêm 0,5 – 0,7 điểm %, quay về mức 5,1%-5,3% trong nửa sau năm 2024", báo cáo viết.
Lãi suất huy động của các nhà băng có xu hướng tăng đặt trong bối cảnh giá vàng liên tiếp xô đổ các mức giá kỷ lục và thị trường chứng khoán có xu hướng hồi phục.
Củ thể, mở cửa ngày 9/5, giá vàng SJC tiếp tục tăng mạnh và thiết lập kỷ lục mới trên 88 triệu đồng/lượng. Từ đầu tuần đến nay, giá vàng SJC đã tăng 2,5 triệu đồng/lượng và ngày càng chênh lệch với giá vàng quốc tế. Cụ thể tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC niêm yết ở mức 86,0-88,3 triệu đồng/lượng, tăng 800 nghìn đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Giá vàng nhẫn trơn không có nhiều biến động vẫn ở mức 73,3-75,0 triệu đồng/lượng. Tương tự, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng đã nâng giá vàng miếng SJC lên 86,0-88,0 triệu đồng/lượng.
Như vậy kể từ đầu tuần đến nay, giá vàng SJC đã tăng khoảng 2,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch với giá vàng thế giới cũng nới rộng lên 17 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng quốc tế chỉ ở mức 2.310 USD/ounce, tương đương với khoảng 71 triệu đồng/lượng.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng thị trường điều chỉnh mạnh trong tháng 4, song nhịp điều chỉnh là cần thiết cho thị trường trong xu hướng tăng giá. Nhìn về tháng 5, đội ngũ phân tích dự đoán rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn tiềm ẩn nhưng mức giảm có thể chậm lại. Qua đó, TPS kỳ vọng vào việc thị trường có thể giữ được vùng 1.150 – 1.180 điểm và bước vào xu hướng tích lũy, tạo nền.
Thảo Vân