Khi vay thế chấp ngân hàng, người vay cần trả thêm một số khoản phí khác ngoài tiền lãi và gốc cần trả định kỳ.
1. Phí định giá tài sản bảo đảm
Phí định giá tài sản bảo đảm là mức phí mà khách hàng trả phí này cho đơn vị thẩm định giá để thực hiện định giá tài sản đảm bảo cho mục đích vay vốn ngân hàng.
Mức phí định giá tài sản bảo đảm dựa trên thỏa thuận giữa bên vay và công ty thẩm định giá. Thông thường, hai bên sẽ thỏa thuận chọn 1 trong 2 cách tính phí như sau: Tính dựa trên tỷ lệ phần trăm (%) của giá trị tài sản đảm bảo cộng thêm các chi phí phát sinh như phí kiểm nghiệm, công tác phí (nếu có). Hoặc phí tính theo Hợp đồng thẩm định giá trọn gói.
Hiện nay, một số ngân hàng miễn phí Phí định giá tài sản đảm bảo cho khách hàng như Agribank, BIDV, OceanBank,…
2. Phí công chứng
Phí công chứng là mức phí trả cho văn phòng công chứng để thực hiện các thủ tục xác thực tính chính xác, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, lưu trữ bản sao. Văn phòng công chứng thực hiện thu phí theo quy định tại Thông tư 257/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 11/11/2016.
3. Phí trả nợ trước hạn
Phí trả nợ trước hạn là khoản phí mà những khách hàng có nhu cầu tất toán trước hạn cần trả thêm cho ngân hàng theo thỏa thuận/hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, phí trả nợ trước hạn được áp dụng theo thỏa thuận giữa ngân hàng và người vay.
4. Phí đăng ký, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm (hoặc giao dịch bảo đảm)
Mức phí đăng ký, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm có sự khác nhau giữa các địa phương. Đây là loại chi phí vay ngân hàng thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở tờ trình của Ủy ban nhân tỉnh cùng cấp.
Mức thu phí đăng ký biện pháp bảo đảm có thể thu theo hồ sơ đăng ký hoặc số lượng GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc số thửa đất, tài sản gắn liền với đất được chứng nhận trên một giấy chứng nhận trong hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc các trường hợp đăng ký khác cho phù hợp.
Trên đây là những loại phí vay thế chấp phổ biến trong nhiều giao dịch vay thế chấp. Trên thực tế, nhiều ngân hàng có thể có thêm những khoản phí khác như phí bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ/ ngôi nhà thế chấp, phí bảo hiểm cho người vay, phí quản lý khoản vay… Để hưởng mức lãi suất cho vay thấp nhiều ngân hàng cũng đặt ra các điều kiện kèm theo như: Mở thẻ tín dụng, mở tài khoản thanh toán mới, mở sổ tiết kiệm mới,…
Nguyễn Minh
Nguyễn Đức Hải
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/vay-ngan-hang-de-mua-nha-nguoi-vay-se-phai-tra-nhung-khoan-phi-nao-205241110173130675.htm