VCCI đề xuất nâng mức doanh thu chịu thuế lên 180-200 triệu đồng/năm

Trả lời công văn của Bộ Tài chính, VCCI đề nghị nâng mức doanh thu chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh lên khoảng 180-200 triệu đồng/năm.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa trả lời công văn của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) sau khi tham vấn các doanh nghiệp và chuyên gia.

Theo đó, Điều 5.25 của Dự thảo đã nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm.

VCCI nhận định, quy định này sẽ giúp nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ không phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp.

So sánh giữa cá nhân kinh doanh và cá nhân làm công ăn lương sẽ thấy sự bất hợp lý. Bởi theo VCCI, hiện nay, cá nhân làm công ăn lương có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc là 132 triệu đồng/năm, nếu có một người phụ thuộc là 184,8 triệu đồng/năm, và nếu có hai người phụ thuộc là 237,6 triệu đồng/năm.

“Với giả định trung bình mỗi người lao động có một người phụ thuộc thì ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với người làm công ăn lương hiện cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh. Đó là chưa kể để có thể có doanh thu, cá nhân kinh doanh sẽ phải mất các chi phí đầu vào trong khi thu nhập cá nhân thì không có các chi phí này”, VCCI nêu quan điểm.

vcci-de-xuat-nang-muc-doanh-thu-chiu-thue-len-180-200-trieu-dong-nam-antt-1709209742.png
VCCI có nhiều góp ý cho Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi). Ảnh minh họa

Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng, ở các lĩnh vực khác nhau có kết cấu chi phí và mức thuế suất khác nhau, dù có thể cùng một mức doanh thu. Ví dụ như với lĩnh vực thương mại hàng hoá như cửa hàng bán lẻ hay tạp hoá thì có chi phí đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, phần thu nhập mà cá nhân kinh doanh được hưởng không lớn và số thuế thu được chỉ từ 1,5 triệu đồng/năm. Với lĩnh vực cung cấp dịch vụ, chi phí đầu vào không đáng kể, phần giá trị gia tăng làm ra lớn hơn và số thuế phải nộp cao hơn, thấp nhất 7,5 triệu đồng/năm.

Vì vậy, đơn vị này đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của của hộ, cá nhân kinh doanh theo hướng nâng mức doanh thu chịu thuế lên khoảng 180 đến 200 triệu đồng/năm. Đồng thời, cân nhắc phân loại theo ngành nghề tương tự như tại dự thảo về phương pháp tính thuế trực tiếp, ví dụ ngành phân phối, cung cấp hàng hoá có ngưỡng cao hơn ngành dịch vụ, xây dựng…

Bên cạnh đó, liên quan tới dịch vụ xuất nhập khẩu, dự thảo sửa đổi theo hướng sẽ đánh thuế đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu và không cho phép hưởng thuế suất 0% như trước đây. Chỉ có dịch vụ vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam và một số dịch vụ liên quan vẫn được hưởng thuế suất 0%. Các lĩnh vực dịch vụ khác sẽ phải chịu thuế suất tương ứng (cơ bản là 10%). 

VCCI cho rằng, việc phải chịu thuế suất 10% khi xuất khẩu sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với đối thủ đến từ quốc gia khác. Theo tìm hiểu sơ bộ của cơ quan này, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phản ánh, thời gian qua, để bảo đảm hạch toán riêng giữa doanh thu từ người dùng trong nước và người dùng nước ngoài, doanh nghiệp đã buộc phải tách sản phẩm thành hai phiên bản để cung cấp cho hai thị trường khác nhau. Tuy nhiên, giải pháp này phát sinh nhiều vấn đề và làm tăng chi phí vận hành, cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp.

Hiện nay, tình trạng các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam ra nước ngoài đầu tư diễn ra ngày càng phổ biến. Ngoài việc có được ưu thế về huy động vốn từ nhà đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi, thì vấn đề thuế cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng này.

Nếu mở doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp sản phẩm dịch vụ cho người dùng nước ngoài, sản phẩm sẽ phải chịu hai lần thuế GTGT cho hai quốc gia còn nếu mở doanh nghiệp tại nước ngoài để cung cấp cho người dùng tại Việt Nam thì chỉ phải chịu một lần thuế GTGT tại Việt Nam.

Vì thê, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo vẫn duy trì quy định dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.

Bạch Hiền

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/vcci-de-xuat-nang-muc-doanh-thu-chiu-thue-len-180-200-trieu-dongnam-20510316.htm