Những ngày qua, các ngân hàng đang đồng loạt công bố báo cáo tài chính quý II/2024 cũng như báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2024. Bên cạnh các báo cáo định kỳ như trên, từ 1/7 năm nay các ngân hàng còn phải công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn cùng người có liên quan.
Đây là quy định được nêu tại Luật Các TCTD số 32/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Theo đó, kể từ 1/7/2024 các ngân hàng phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe hơn về tỷ lệ sở hữu của cổ đông cũng như việc minh bạch thông tin.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng phải công khai họ tên cá nhân, tổ chức là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ cùng người có liên quan lên website ngân hàng.
Các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải gửi cho TCTD văn bản cung cấp thông tin lần đầu và khi có thay đổi các thông tin này trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh hoặc có thay đổi thông tin.
Cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ chỉ phải công bố thông tin khi có mức thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan từ 1% vốn điều lệ trở lên so với lần cung cấp liền trước.
Luật mới cũng yêu cầu TCTD phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó và người có liên quan trên trang thông tin điện tử của TCTD trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin cung cấp.
Bên cạnh đó, "những người có liên quan" theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cũng được mở rộng, gồm cả cha mẹ cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con nuôi, con rể; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha.
Ngoài ra, ông bà nội, ngoại; cháu nội, ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột, cũng thuộc diện "người có liên quan", tức 5 thế hệ theo Luật mới.
Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng được xác định theo quy định nội bộ của ngân hàng hoặc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước qua thanh tra, giám sát, cũng được xem là "người có liên quan".
Điểm quan trọng khác trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi là việc giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Còn giới hạn tỷ lệ sở hữu với cổ đông cá nhân được giữ như hiện hành, tức 5%.
Những quy định mới về giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông hoặc minh bạch thông tin với cổ đông nắm từ 1% vốn nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo khi doanh nghiệp sân sau chi phối hoạt động của ngân hàng.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/vi-sao-cac-ngan-hang-dua-nhau-cong-bo-co-dong-so-huu-tu-1-co-phan-205240726204800619.htm