VnDirect vừa có báo cáo đánh giá triển vọng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng -VPBank trong đó đề cập chi tiết tới tình hình kinh doanh của Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit).
Cụ thể, VnDirect ước tính dư nợ cho vay của FEC giảm 2,7% so với cùng kỳ hoặc tăng 3,4% khi tính khoản cho vay 4.570 tỷ đồng mà FEC đã bán cho ngân hàng mẹ.
Tổng thu nhập hoạt động tăng nhẹ 1,5% lên 16.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động và dự phòng lại tăng đáng kể lần lượt ở mức 28%/23%, khiến FEC chuyển từ lãi trước thuế 610 tỷ đồng trong 2021 sang lỗ 3.000 tỷ đồng trong 2022. Tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 13,6% vào cuối 2021 lên 20,4% vào cuối 2022.
Theo ban lãnh đạo, VPBank không đạt kế hoạch kinh doanh do quá trình phục hồi của FE Credit sau Covid chậm hơn nhiều so với dự kiến. Giờ đây, tình trạng sụt giảm của đơn hàng xuất khẩu và hoạt động bất động sản & xây dựng tiếp tục gây ra gánh nặng tài chính cho các cá nhân có thu nhập thấp, những người vốn là khách hàng chính của FE Credit.
Năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với FE Credit, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm. Ngân hàng kỳ vọng hoạt động của FEC sẽ dần ổn định và có lãi vào quý 3- 4/2023. Tốc độ tăng trưởng cho vay nhìn chung sẽ chậm lại nhưng được tập trung vào khách hàng sẽ ít rủi ro hơn. VnDirect đưa ra dự báo thận trọng hơn cho FEC trong năm nay.
Cụ thể, dự phóng tăng trưởng cho vay của FE Credit đạt 5% trong năm 2023 và lỗ trước thuế khoảng 700 tỷ đồng. Sang năm 2024, kỳ vọng khi điều kiện kinh tế cải thiện, FE Credit sẽ đạt mức tăng trưởng cho vay khoảng 8% và lợi nhuận trước thuế khoảng1,3 nghìn tỷ đồng.
Đối với ngân hàng mẹ VPBank, VnDirect duy trì giả định tăng trưởng cho vay sẽ ở mức cao trong giai đoạn 2023-2024 lần lượt là 24,0%/22,2% so với cùng kỳ. Tỷ lệ an toàn vốn cao, nguồn vốn/thanh khoản dồi dào, cũng như việc VPBank sẽ hỗ trợ một tổ chức tín dụng yếu kém là những lý do khiến kì vọng rằng VPBank sẽ tiếp tục nhận được hạn mức tín dụng trên mức trung bình từ Ngân hàng Nhà nước.
Về FE Credit, kì vọng trong giai đoạn 2023-2024, tăng trưởng cho vay so với cùng kỳ sẽ lần lượt là 5,1%/8,2%, thấp hơn so với mức 8,0%/10,0% trước đó. Do đó, tăng trưởng cho vay hợp nhất sẽ lần lượt là 21,0%/20,0% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2023-2024.
Dự phóng NIM hợp nhất trong năm 2023-2024 ở mức 7,4%/7,3%, giảm từ mức 7,5% trong năm 2022 vì VPB sẽ khó có thể bù đắp tác động từ việc lãi suất tiền gửi/chi phí vốn tăng cao mặc dù tỷ trọng bán lẻ/SME trong cơ cấu tín dụng của VPB ngày càng được cải thiện. Giả định về tăng trưởng cho vay chậm lại tại FE Credit cũng ảnh hưởng đến NIM hợp nhất, vì NIM của FE Credit cao hơn so với NIM của ngân hàng mẹ.
VnDirect cũng kỳ vọng tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập sẽ giảm xuống 26,0%/25,7% trong giai đoạn 2023-2024 so với 27,0% trong năm 2022 (sau khi loại phí trả trước banca) do VPBank sẽ cải thiện được đòn bẩy hoạt động từ việc tăng trưởng thu nhập sau khi tăng thêm nhân sự và ngân sách quảng cáo một cách đáng kể trong năm 2022.
Về trích lập dự phòng, dự báo chi phí dự phòng tại ngân hàng mẹ sẽ tăng lần lượt 15,0%/23,1% svck trong giai đoạn 2023-24 lên 10.000 tỷ đồng/12.300 tỷ đồng, phản ánh kỳ vọng về rủi ro nợ xấu gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Các khoản này tương đương với khoảng 2,5% cho vay (so với 2,8% trong năm 2022).
Đối với FE Credit, dự phóng chi phí dự phòng sẽ giảm 5,8%/7,1% svck trong 2023-2024 xuống 13.000 tỷ đồng/12.000 tỷ đồng, nhưng vẫn ở mức cao tính theo % tổng dư nợ, lần lượt là 17,2%/15,0%, so với 18,2% trong năm 2022.
Nhìn chung, tổng chi phí dự phòng sẽ tăng 2,3%/6,0% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2023-2024 lên 23.000 tỷ đồng/24.400 tỷ đồng. VnDirect kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu hợp nhất sẽ đạt 5,0%/3,8% trong giai đoạn 2023-24 so với 5,7% trong năm 2022.
PV
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/vi-sao-fe-credit-bao-lo-3000-ty-dong-205203777.htm