Vì sao hơn 3.000ha cọ dầu của HNG thế chấp cho ngân hàng bị xóa sổ?

Nhiều tài sản thế chấp của HNG tại ngân hàng thiếu hụt so với thực tế, trong đó đáng chú ý hơn 3.000ha cọ dầu bị xóa sổ.

o-to-truong-hai-chi-them-ngan-ti-mua-co-phieu-cong-ty-nong-nghiep-bau-duc3-1680335922.jpg

Nông trường của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), từ ngày 12/4/2023, cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) bị đưa vào diện kiểm soát kể từ ngày.

Lý do cổ phiếu HNG bị kiểm soát là do báo cáo tài chính hợp nhất liên tiếp trong năm 2021 và 2022, HAGL Agrico lỗ lần lượt 1.119 tỷ đồng và 3.576 tỷ đồng.

Trước đó, HAGL Agrico đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022, ghi nhận lỗ sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất hơn 3.576 tỷ đồng. Trong đó, lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh 1.307 tỷ đồng, lỗ do ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây 2.141 tỷ đồng, lỗ khác gần 127 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2022, HNG lỗ lũy kế lên 7.003 tỷ đồng và nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 4.288 tỷ đồng. Từ những kết quả trên, kiểm toán đưa ra ý kiến nhấn mạnh về yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HAGL Agrico.

Theo giải trình của HNG, do công ty đang trong quá trình tái cơ cấu một số khoản nợ và làm việc với các bên liên quan giải quyết công nợ và nhận lại các chứng nhận quyền sử dụng đất các dự án tại Lào và Campuchia, để triển khai pháp lý đầu tư dự án và huy động nguồn vốn để có dòng tiền đầu tư. Do đó, HNG đã lập báo cáo tài chính năm 2022 đáp ứng giả định hoạt động liên tục trong vòng 12 tháng tới.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ, HNG có lãi sau thuế 223 tỷ đồng nhờ hoàn nhập khoản chi phí và ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá ngoại tệ cuối kỳ. Theo kế hoạch năm 2023, HNG đặt kế hoạch doanh thu 1.586 tỷ đồng.

Thế nhưng, nhiều tồn tại trong Báo cáo tài chính hợp nhất của HNG cần phải lưu ý. Theo đó, công ty đang tồn tại khoản vay gần 600 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank và sẽ đáo hạn vào tháng 9/2023.

Ngoài ra, HAGL Agrico còn những khoản nợ dài hạn hàng nghìn tỷ đồng tại nhiều ngân hàng khác như Liên doanh Lào Việt, Sacombank. Công ty dùng tài sản hình thành trong tương lai là vườn cây ăn quả, cao su, cọ dầu, bò để làm tài sản thế chấp.

 

Báo cáo tài chính 2022 của HNG cho thấy, tài sản là đàn bò của HA Attapeu dùng để đảm bảo cho khoản vay tại LaoVietBank đã được bán toàn bộ nhưng chưa thanh toán khoản vay quá hạn 293 tỷ đồng cho phía ngân hàng.

Ngoài ra, tính đến ngày 31/12/2022, diện tích cao su HA Attapeu thực tế trồng là 17.131ha thấp hơn cam kết trong hợp đồng tín dụng với một ngân hàng 819ha (cam kết là 17.950ha).

Không những vậy, HNG còn xóa sổ toàn bộ diện tích cọ dầu, theo đó diện tích cọ dầu đang thấp hơn diện tích 3.155,79ha theo hợp đồng tín dụng. Ngoài ra, công ty cũng chưa mua bảo hiểm cho tài sản đảm bảo như cam kết trong hợp đồng tín dụng.

Theo phản hồi từ phía HNG, Căn cứ theo Hợp đồng tín dụng số 01/2013 với ngân hàng tài trợ cho dự án trồng 7.950ha cao su và 2.000ha cọ dầu trên tổng diện tích 7.888ha được Chính phủ Lào cấp. Theo đó, công ty đã triển khai dự án và trồng được 4.733ha cao su và 3.156ha cọ dầu. Tuy nhiên, qua quá trình trồng và chăm sóc, cọ dậu không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại Lào nên cây bị kém phát triển và chết. Bắt đầu từ năm 2016, HNG đã chuyển đổi vườn cây cọ dầu bị xóa bỏ sang trồng các loại cây ăn quả như: xoài, mít, bưởi, chuối... 

Ngoài ra, theo Hợp đồng thế chấp ngày 25/8/2015 giữa HNG, HAGL và ngân hàng, về khoản vay tại ngân hàng với tổng dư nợ tính đến 31/12/2022 là 452 tỷ đồng được đảm bảo bởi tài sản là vườn cây ăn trái, ngoài ra khoản vay này còn có các tài sản khác đang đồng đảm bảo bao gồm: Đất số 1 Phù Đổng - Pleiku, Nhà máy đá Granit Hoàng Anh Gia Lai và 119 căn hộ chung cư Hoàng Anh Gia Lai. Qua đó, giá trị vườn cây ăn trái hiện tại, quyền sử dụng đất 7.888ha và các tài sản đảm bảo bổ sung thay thế cho toàn bộ diện tích vườn cọ dầu đã xóa sổ và diện tích cây cao su thiếu hụt, đủ khả năng đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng.

Phía HNG cũng đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên phần diện tích đất cọ dầu bị xóa sổ, thay vào đó HNG chuyển sang trồng cây ăn quả.

Phạm Ngọc

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/vi-sao-hon-3000ha-co-dau-cua-hng-the-chap-cho-ngan-hang-bi-xoa-so-205626777.htm