Ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Trong đó, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Cơ chế giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2024 có sự khác biệt với các năm trước - vốn được NHNN chia nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị rồi xem xét nới room.
Tại buổi họp báo hoạt động ngành ngân hàng 2024 ngày 3/1, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, cách cấp hạn mức tín dụng mới là một bước thay đổi cơ chế tổ chức điều hành. Đây cũng mang thông điệp đối với các ngân hàng là vốn đưa vào nền kinh tế trong năm nay phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn.
"Nếu như những năm trước đây chúng ta xem đó là những khoản cấp phát, phân bổ thì nay là cơ chế giao để cho các ngân hàng phấn đấu để đạt chỉ tiêu. Bởi vì năm ngoái, cũng có ngân hàng tăng hết room nhưng rất nhiều ngân hàng không đến room thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Những ngân hàng tăng trưởng âm, tăng trưởng thấp đó có thể do chưa mạnh dạn tăng trưởng. Do đó, việc thay đổi cơ là để các ngân hàng này phải phấn đấu đạt mức chỉ tiêu tín dụng được giao", ông Tú nhấn mạnh.
Tuy cấp toàn bộ hạn mức vào đầu năm nhưng ông Tú cho biết nếu ngân hàng nào hết hạn mức thì NHNN vẫn xem xét có thể tiếp tục gia tăng nhưng điều kiện đi kèm là nền kinh tế phải cho phép việc mở rộng tín dụng và vẫn phải đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô và đảm bảo vốn tín dụng vào đúng đối tượng.
"Điều đó thể hiện sự minh bạch khách quan, không còn một cơ chế xin cho nào cả và điều này Thủ tướng đã chỉ đạo dứt khoát. Trong thời gian qua mặc dù biểu hiện cấp room tín dụng là như vậy nhưng bản chất cũng chỉ là đánh giá để tín dụng đi vào đúng đối tượng", Phó Thống đốc chia sẻ.
Nói về sự thay đổi trong cơ chế cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2024, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ cho biết, việc giao ngay toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm nhằm mục đích thúc đẩy việc bơm vốn ra nền kinh tế trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn.
Theo ông Quang, khó khăn của nền kinh tế năm 2023 vẫn tiếp tục trong năm 2024. Các ngân hàng trung ương lớn vẫn chưa hạ lãi suất và duy trì ở mức rất cao. Vì vậy, khả năng suy thoái nhẹ ở những nền kinh tế như Mỹ vẫn có thể xảy ra. Xu hướng xuất khẩu giảm, nhu cầu toàn cầu giảm sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam do nước ta có độ mở rất lớn.
Nhìn vào kinh tế năm 2023 cũng có thể thấy rõ rằng nền kinh tế Mỹ, châu Âu hay G7 chưa suy giảm, nhưng xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam đã tụt rất nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tổng cầu, thu nhập, việc làm của nền kinh tế.
"Với xu hướng tổng cầu tiếp tục suy giảm, NHNN nhận thấy cần phải có giải pháp thúc đẩy tổng cầu của nên kinh tế thông qua giao ngay tăng trưởng tín dụng để cố gắng thúc đẩy tổng cầu tăng, thúc đẩy tăng trưởng", ông cho biết và thông tin: "Ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã cung ứng đủ vốn, kịp thời thúc đẩy nhu cầu hợp pháp, thúc đẩy sự lan tỏa vốn vào nền kinh tế".
Đồng thời, ông Quang cũng cho rằng, noài tín dụng ngân hàng, nguồn vốn cho nền kinh tế còn đến từ đầu tư công, FDI, tư nhân, kiều hối giải ngân và trái phiếu doanh nghiệp.
"Hy vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi trong năm 2024, góp phần thúc đẩy thị trường huy động vốn trung dài hạn của nền kinh tế, giảm gánh nặng của ngân hàng, giảm rủi ro thanh khoản", ông nói thêm.
Để giao mức tăng trưởng tín dụng 15%, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ cho biết NHNN cũng đã tính toán đến những yếu tố về mặt rủi ro hệ thống.
Theo ông Quang, hiện nay, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tín nhiệm đều cảnh báo Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhưng có dư nợ tín dụng/GDP ở mức rất cao. Theo thang chấm điểm của World Bank, Việt Nam là nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Theo đánh giá của Moody và Fitch Ratings, Việt Nam là nước có tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP cao nhất trong các quốc gia có cùng mức xếp hạng.
"Điều đó cho thấy, các tổ chức quốc tế luôn cảnh báo rủi ro an toàn hệ thống, an ninh tài chính Việt Nam trong bối cảnh hệ số đòn bẩy tài chính quốc gia ở mức cao", ông Quang nhận định.
Quang Hưng
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/vi-sao-ngan-hang-nha-nuoc-thay-doi-co-che-dieu-hanh-room-tin-dung-trong-nam-2024-2057734.htm